Việc bất ngờ “đóng cửa” hãng hàng không Vinpearl Air hồi giữa tháng 1 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khiến nhiều người tiếc nuối. Trước đó, hành trình chuẩn bị cho ngày cất cánh của hãng bay này các bộ, ngành thẩm định và nhận được sự đồng thuận rất cao từ giới chức hàng không. Người tiêu dùng cũng kỳ vọng Vinpearl Air sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ.
Khi người giàu nhất Việt Nam rút lui khỏi lĩnh vực hàng không, hãng bay tư nhân của các những tỷ phú nổi tiếng vẫn đang “bứt tốc” trên thị trường. Những cái tên đáng chú ý là nữ tỷ phú USD - CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, tỷ phú Trịnh Văn Quyết, đại gia Trần Trọng Kiên…
Tại Vietjet Air, hiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo là cổ đông lớn thứ hai với mức nắm giữ 8,8% cổ phần hãng bay, lượng cổ phần mà nữ CEO này đang nắm giữ tại hãng có giá trị gần 7.000 tỷ đồng.
Hàng không Việt Nam ghi nhận một số hãng bay tư nhân đang "bứt tốc"
CEO của Vietjet có vai trò và ảnh hưởng lớn tại Vietjet Air thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, Sovico Holdings và Ngân hàng HDBank. Đây là 3 doanh nghiệp thuộc nhóm 4 cổ đông lớn nhất của Vietjet Air.
Hiện nay, Vietjet đang chiếm hơn 40% thị phần hàng không nội địa, con số này đã khẳng định “chỗ đứng” vững chắc và khả năng phát triển mạnh mẽ của hãng hàng không tư nhân đầu tiên Việt Nam.
Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã ghi dấu 1 năm gia nhập thị trường với những con số “biết nói”. Bamboo Airways hiện đang năm giữ khoảng 5,5 thị phần hàng không nội địa, vận hành 22 máy bay, trong đó có 3 máy bay Boeing 787-9 Dream liner với hơn 100 chuyến bay/ngày.
Không phủ nhận đã “đốt” rất nhiều tiền cho đứa “con đẻ” Bamboo Airways, tỷ phú Trịnh Văn Quyết còn cho biết sau gần 1 năm tham gia “sân chơi” hàng không ông đã phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Hồ sơ xin cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cũng cho thấy ông Trịnh Văn Quyết vẫn nắm rất chắc Bamboo Airways trong tay. Ông Quyết khẳng định hãng bay của mình sẽ có lãi vào quý 1/2020.
Theo kế hoạch được Bamboo Airways công bố, trong đội bay quy mô 50 chiếc của hãng sẽ có 12 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Về mạng đường bay, Bamboo Airways dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay nội địa và 25 đường bay quốc tế, tăng đáng kể so với các con số 34 và 6 hiện nay.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways còn có kế hoạch mở các đường bay Hà Nội - Prague (Séc) vào tháng 3 và Hà Nội - Munich (Đức) vào tháng 4 năm 2020. Đến tháng 5/2020, Bamboo Airways dự kiến mở các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Melbourne (Australia).
Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) của đại gia Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group - đã được trình Chính phủ. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng.
Phân tích tài chính Dự án cho thấy, dự kiến tổng giá trị hiện tại ròng (NPV) sau năm 2025 của KiteAir là 27,74 triệu USD. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 17,8%/năm với thời gian hoàn vốn 5 năm. Dự kiến, hãng hàng không của ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group sẽ cất cánh vào quý II/2020 và bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Châu Như Quỳnh