Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, Vinbiocare có mã ngành chính là 2100, chuyên sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Cụ thể là sản xuất vắc xin, huyết thanh và các thành phần của máu; các loại thuốc khác, bao gồm chất vi lượng, thuốc chẩn đoán; sản xuất hóa dược.
Vốn điều lệ của Vinbiocare được công bố ở mức 200 tỷ đồng. Công ty có trụ sở chính nằm trong khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội).
Vingroup là một trong 3 cổ đông sáng lập của doanh nghiệp "mới toanh" này với tỉ lệ góp vốn 69% tương ứng giá trị vốn 138 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại là bà Phan Thu Hương (góp 2 tỷ đồng tương ứng 1% vốn điều lệ) và ông Phan Quốc Việt (góp 60 tỷ đồng tương ứng 30% vốn điều lệ).
Bà Mai Hương Nội - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup - chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Vinbiocare.
Vingroup sở hữu 69% vốn tại Vinbiocare (Ảnh chụp màn hình).
Việc Vingroup bất ngờ thành lập một công ty chuyên về sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu gây chú ý trong bối cảnh Việt Nam đang phải chống đỡ với đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4. Hiện tại, bên cạnh tìm nguồn hỗ trợ vắc xin từ các đối tác ở nước ngoài, Chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
Trước đó, vào hồi tháng 2, Vingroup đã tài trợ 20 tỷ đồng cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng ngừa Covid-19 "made in Vietnam" Covivac.
Tháng 2/2020, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) - cũng đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với Covid-19 nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
3 đơn vị nhận được tài trợ của VINIF gồm: Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.
Trong đó, Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu "Phát triển vắc xin chống lại chủng mới của virut corona (Covid-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm" do Chủ tịch công ty - TS. Đỗ Tuấn Đạt - làm chủ nhiệm.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virut bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virut corona mới 2019 (2019-nCoV) tại Việt Nam" do PGS.TS. Phan Trọng Lân làm chủ nhiệm, Viện trưởng Viện VSDT TƯ. GS.TS. Đặng Đức Anh, làm phó chủ nhiệm.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài "Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh Covid-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp" do Viện trưởng GS.TS. Lê Thị Hương làm chủ nhiệm.
Trong một động thái mới nhất, Vingroup đã góp 480 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19.
Theo báo cáo hợp nhất của Vingroup thì tại ngày 31/3, trong số 102 công ty con của tập đoàn này, Vingroup đang sở hữu 89,5% lợi ích tại Công ty cổ phần VIN3S (ngành nghề chính là sản xuất và bán buôn thực phẩm, dược phẩm).
Thực tế, đây cũng không phải lần đầu Vingroup bước chân vào ngành dược. Còn nhớ năm 2018, Vingroup từng công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu Vinfa.
Thời điểm đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Vingroup từng tuyên bố, toàn bộ quy trình sản xuất tại Vinfa sẽ được trang bị hiện đại và tân tiến nhằm tối ưu hiệu quả và đảm bảo chất lượng dược phẩm.
Một trong những mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa là sẽ tập trung vào các mảng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vắc xin và thiết bị y tế với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tuy vậy, kể từ năm 2019, để dồn lực cho VinFast, hoạt động của Vinfa đã được thu hẹp lại.
Tại thời điểm hiện nay, Nano Covax là vắc xin "made in VietNam" đang được Học viện Quân y đưa vào giai đoạn 3 thử nghiệm trên khoảng 13.000 tình nguyện viên.
Việc được duyệt cấp phép hay không của loại vắc xin này còn phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 tới đây. Hiện nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng các khâu chuẩn bị nguyên liệu, các quy trình để có thể đưa vào sản xuất khi được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép.
PGS.TS Chử Văn Mến - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho hay: Nếu dịch Covid-19 bùng phát trong nước, hội đồng đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ họp để cấp phép tiêm cho người dân. Năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam hiện nay là 6 triệu liều/tháng.
Mai Chi