Theo ông Phạm Thiết Hòa, dân số ASEAN là 660 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới nhất của các nước ASEAN do Ngân hàng Thế giới cập nhật là 2.767 tỷ USD. ASEAN đang là thị trường tiềm năng của khu vực và cả trên thế giới.
Chính vì vậy, đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam “vươn mình” để bước ra thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp đừng nghĩ các nước khác giỏi hơn mình, còn mình dở hơn họ rồi tự ti. Chúng ta cứ nhận thức đúng, làm bài bản thì sẽ thành công”, ông Hòa nói.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC). Ảnh: Đại Việt
Cũng theo ông Hòa, doanh nghiệp Việt muốn “bước” vào thị trường bạn thì không nên đi một mình mà cần có một “ekip” chuyên nghiệp để kết nối. Đơn vị kết nối sẽ làm việc với các nhà phân phối của tại quốc gia mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Khi đó, các nhà phân phối sẽ chào đón doanh nghiệp một cách nồng nhiệt hơn.
“Bình thường, nếu không có đơn vị kết nối thì doanh nghiệp có thể mất cả năm trời để có thể bắt đầu kinh doanh tại nước bạn. Tuy nhiên, nếu có đơn vị kết nối đứng ra sắp xếp thì thời gian có thể rút ngắn xuống còn 1 – 2 tháng”, ông Hòa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đến hết năm 2018 sẽ hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng có ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng đầu vào chất lượng hơn.
Theo các nhà quản lý kinh tế thì ASEAN đang là một thị trường đầy tiềm năng và màu mỡ nhưng cũng tiềm ẩn sự cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: Đại Việt
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong AEC đang dần xóa bỏ. Đến nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức từ 0 - 5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Với mức giảm thuế sâu như vậy thì trong tương lai, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Đồng thời, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN, bởi vì khi hàng hóa ở các nước thành viên ASEAN có mức thuế ưu đãi như nhau, sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo vị lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TPHCM vào ASEAN mỗi năm đều tăng.
Cụ thể, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,31 tỷ đô la Mỹ, tăng 13% so với 2015, năm 2017 kim ngạch đạt 3,47 tỷ đô la Mỹ, tăng 4% so với 2016. Tuy nhiên, những con số này không tăng đột biến sau khi AEC được thành lập.
Trong khi đó con số nhập khẩu vẫn rất lớn, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016 và đã tăng lên mức 8,15 tỷ đô la vào 2017, tăng 13% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: Đại Việt
Cũng theo ông Kiên, hiện tại con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu. Điều đó cho thấy nhập siêu từ ASEAN vẫn rất đáng lo ngại.
“Các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập vào các thị trường ASEAN. Trong đó, chiến lược kinh doanh cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực…vì thực tiễn cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu”, ông Kiên nhấn mạnh.
Đại Việt