Fica
  1. Doanh nghiệp

BOT “sai từ đầu”, phải bỏ trạm, xả trạm thu phí, sao đòi nhà nước chia sẻ rủi ro?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu vấn đề trên, khi bàn tới cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án BOT, được đề xuất trong dự thảo luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 16/9.

Hạn chế tối đa chỉ định thầu

BOT “sai từ đầu”, phải bỏ trạm, xả trạm thu phí, sao đòi nhà nước chia sẻ rủi ro? - 1

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đại diện cho cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật.

Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh vấn đề việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Theo cơ quan thẩm tra, nguyên tắc cần tuân thủ là dự án phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Liên quan đến quy định về vốn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, dự thảo luật được thiết kế theo hướng có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng trong cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư dự án PPP, để đảm bảo tính minh bạch cũng như thuận lợi trong quá trình thanh tra, kiểm toán dự án thì cần tách phần vốn nhà nước trong dự án PPP thành một dự án thành phần riêng biệt. Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cảnh báo, nếu không tách bạch được phần vốn đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ phải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành... trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà còn phải tuân theo quy định của thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước... cũng như trách nhiệm giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP.

"Rất dở khi chia sẻ rủi ro với lý do phải xả trạm, dừng thu phí"

Một vấn đề khác được quan tâm trong dự thảo luật là cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tham gia dự án PPP. Theo tờ trình của Chính phủ, thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy việc đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn nhiều rủi ro.

Trong số đó, có những rủi ro của thị trường, nhưng cũng có nhiều rủi ro xuất phát từ các quyết định hành chính của phía Nhà nước (quyết định bỏ trạm hoặc xả trạm, điều chỉnh quy hoạch, cơ chế giá, phí, chính sách ngoại tệ…) làm ảnh hưởng doanh thu dự án. Trong khi, các biện pháp như gia hạn thời hạn hợp đồng hay tăng mức giá, phí cũng không thể đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể chi trả các chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh.

Do đó, Chính phủ đề xuất cơ chế là Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với dự án PPP đáp ứng các điều kiện, là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Khi cơ quan ký kết hợp đồng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp chia sẻ rủi ro như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng (quy định tại khoản 1 điều 76 của Luật này) nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án.

Về nội dung này, trong cơ quan thẩm tra cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu việc áp dụng cơ chế này cho tất cả các dự án PPP.

Loại ý kiến thứ hai không nhất trí về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, vì cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP đã được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, việc kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.

UB Kinh tế cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP.

Tuy nhiên, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư.

BOT “sai từ đầu”, phải bỏ trạm, xả trạm thu phí, sao đòi nhà nước chia sẻ rủi ro? - 2

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu hàng loạt câu hỏi với cơ quan soạn thảo dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến: “Sẽ rất dở nếu đặt ra vấn đề chia sẻ rủi ro về doanh thu với các lý do như quyết định bỏ trạm hoặc xả trạm được nêu tại tờ trình. Nếu dự án thực hiện sai từ hợp đồng, chẳng hạn với dự án BOT, người không đi mà vẫn bắt trả tiền thì nhất thiết phải ký lại hợp đồng cho đúng chứ không phải là chia sẻ rủi ro”.

Cũng từ thực tế, bà Nga đặt câu hỏi, những hạn chế lớn nhất của các dự án PPP thời gian qua là gì, dự thảo luật có quy định nào để khắc phục? Thời gian qua chỉ có lĩnh vực giao thông thu hút dự án BOT, những lĩnh vực khác ít có dự án BOT thì nói lên điều gì? Nhiều dự án BOT có vướng mắc, một số ngân hàng bị đưa vào làm con tin, kinh nghiệm của quốc tế với việc giải quyết vấn đề này?

Bà Nga cũng nêu một vấn đề là tờ trình dự án luật nói các nước không triển khai loại hợp đồng BT, vậy tại sao Việt Nam vẫn dùng, trong khi chính Chính phủ nhân định là có sự nóng vội, tràn lan khi thực hiện hình thức này thời gian qua?

Đáng tiếc, do thời lượng phiên thảo luận không còn, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng được đề nghị trả lời những vấn đề đặt ra bằng văn bản.

P.Thảo