Lãi "khủng" nhờ gần 33.000 tỷ đồng gửi ngân hàng
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) vừa "bốc hơi" 169 tỷ đồng sau khi đơn vị kiểm toán soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Lý do là doanh thu thuần được hạch toán giảm nhẹ còn chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên sau kiểm toán liên quan đến việc trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Tuy nhiên, dù phải điều chỉnh giảm lợi nhuận, lãi ròng của ACV vẫn ở mức rất cao, lên tới 1.200 tỷ đồng, gần như không chênh lệch so với cùng kỳ 2020.
Biểu đồ: Việt Đức.
Doanh thu của doanh nghiệp đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng ở Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 3.428 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ 2020 trong bối cảnh hoạt động đi lại bằng đường hàng không bắt đầu bị ảnh hưởng từ tháng 5 khi làn sóng dịch Covid-19 lần 4 bùng phát.
Doanh số giảm mạnh nhưng chi phí đầu vào không thấp hơn nhiều so với cùng kỳ khiến biên lợi nhuận gộp của ACV giảm hơn một nửa. Lãi gộp chỉ đạt 381 tỷ đồng, tương đương vỏn vẹn 1/3 so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên, ACV có "điểm tựa vững vàng" từ số tiền gần 33.000 tỷ đồng đang gửi ngân hàng. Nhờ lượng tiền gửi "khủng" nói trên, chỉ riêng tiền lãi của ACV trong 6 tháng đầu năm lên tới hơn 900 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, ACV nhận về hơn 5 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong kỳ còn ghi nhận khoản thu đột biến 870 tỷ đồng tiền lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục ngoại tệ. Nhờ đó, tổng doanh thu tài chính trong 6 tháng đầu năm của ACV lên tới hơn 1.800 tỷ đồng.
Kết quả là doanh nghiệp khai thác 22 sân bay vẫn báo lãi lớn trong khi nhiều hãng hàng không điêu đứng. Điển hình như Vietnam Airlines 6 tháng đầu năm lỗ gần 8.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến cuối tháng 6 âm 2.750 tỷ đồng.
Phân tích kỹ về trường hợp của ACV, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết nếu loại trừ doanh thu tài chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp quản lý 22 sân bay cũng lỗ trong 6 tháng đầu năm.
Hàng loạt tàu bay của các hãng hàng không nằm sân thời gian qua vì ảnh hưởng của đại dịch (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hai vấn đề kiểm toán nhấn mạnh
Trong báo cáo tài chính soát xét, ACV có 2 vấn đề bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh. Đầu tiên, ACV vẫn chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ ngày chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần vào năm 2016.
Thứ hai, ACV đang quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (khu bay) do Nhà nước đầu tư. Các tài sản trên do Nhà nước quản lý, Bộ Giao thông Vận tải làm đại diện chủ sở hữu. Dù vậy, ACV vẫn ghi nhận doanh thu, chi phí từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trong khi Bộ Giao thông Vận tải chưa ban hành quyết định bàn giao danh mục các tài sản trên cho doanh nghiệp.
Trong báo cáo phân tích cập nhật về ACV công bố cuối tháng 8, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết ban lãnh đạo doanh nghiệp đang làm việc với đơn vị kiểm toán để loại bỏ ý kiến nhấn mạnh trên, tiến tới việc đáp ứng điều kiện niêm yết trên sàn HSX vào năm 2022.
ACV đang quản lý tất cả cảng hàng không dân dụng ngoại trừ sân bay Vân Đồn (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Cũng theo VNDirect, các đường bay nội địa và quốc tế có thể dần phục hồi từ quý IV năm nay và lượng khách nội địa trở lại về mức trước dịch (2019) vào năm 2022. Lượng khách quốc tế dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Do đó, triển vọng kinh doanh của ACV vẫn tích cực trong trung hạn.
Còn trong ngắn hạn, nhóm phân tích đưa ra góc nhìn bi quan về hoạt động của doanh nghiệp quản lý 22 sân bay. VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của ACV năm nay sẽ chỉ đạt gần 1.600 tỷ đồng, thấp hơn 60% so với dự báo cũ trước những diễn biến tiêu cực của ngành hàng không trong nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việt Đức