Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố danh mục cảng cạn với 14 cảng. Trong đó, bổ sung 3 cảng cạn mới là Thạnh Phước, Nam Đình Vũ (giai đoạn 1), Phú Mỹ (giai đoạn1).
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố danh mục cảng cạn với 14 cảng. Trong đó, bổ sung 3 cảng cạn mới là Thạnh Phước, Nam Đình Vũ (giai đoạn 1), Phú Mỹ (giai đoạn1). |
Danh mục các cảng cạn gồm: Cảng cạn (ICD) Hải Linh (Phú Thọ); Cảng cạn Km 3+4 Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng; Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình; Cảng cạn Hoàng Thành; Cảng cạn Long Biên; Cảng cạn Tân Cảng Hà Nam; Cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình; Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch; Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ; cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1; Cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1); Cảng cạn Thạnh Phước và cảng cạn Nam Đình Vũ (giai đoạn 1).
Cục Hàng hải Việt Nam được giao trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 38/2017 của Chính phủ về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, so với Quyết định 506/2023 của Bộ GTVT về việc công bố Danh mục cảng cạn Việt Nam, danh mục mới đã bổ sung 3 cảng cạn mới gồm cảng cạn Thạnh Phước, cảng cạn Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) và cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1).
Trong đó, cảng cạn Thạnh Phước nằm tại vị trí số 207, ĐT747A, tổ 1, khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước. Cảng mang ý nghĩa khai thông đường thủy, mở ra cửa ngõ thông thương hàng hóa giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành khác trong cả nước, giúp việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp được thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Với cảng cạn Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần ICD Nam Đình Vũ.
Cảng kết nối thuận tiện đến các khu công nghiệp (Nam Đình Vũ, Minh Phương, Deep C...), các trung tâm logistics, cảng Quốc tế Lạch Huyện và nhiều cảng biển khác của Hải Phòng để tạo điều kiện thuận lợi luân chuyển hàng hóa tới các tỉnh/thành phố... trong cả nước và ra quốc tế.
Cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1) nằm tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng có quy mô 37,8ha, gồm 6 bến cảng, có khả năng kết nối đường thủy tới các cảng biển, ICD trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Cảng cạn là "cánh tay nối dài" cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng. |
Theo ông Takahiro Shimada, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KOA-KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3), KOA có lượng hàng hóa xuất nhập trên 100 container/tháng. Do đó, cùng với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, cảng cạn Phú Mỹ ra đời sẽ tạo thêm động lực, góp phần thu hút thêm các dự án đầu tư vào các KCN.
“Khi các doanh nghiệp đến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu, mà chắc chắn bất cứ một sản phẩm nào cũng sẽ sử dụng sản phẩm của KOA vì công ty chúng tôi chuyên sản xuất ra các bao bì”, ông Takahiro Shimada tự tin nói.
Ông Phạm Quốc Phương, Phó Giám đốc điều hành Cảng cạn Phú Mỹ 3 cho biết, cảng cạn là "cánh tay nối dài" cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN, nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, bảo đảm chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả. Do đó, cảng cạn Phú Mỹ sẽ lấp đầy những “chỗ khuyết” của hệ sinh thái của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Trên thực tế, cảng cạn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mạng lưới logistics. Nếu chỉ có cảng nước sâu mà không có cảng cạn thì sẽ mất tác dụng liên hệ với nguồn hàng, kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí, giới hạn năng lực khai thác cảng biển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống cảng cạn trên cả nước nói chung trong thời gian dài chưa được quan tâm phát triển. Việc phát triển cảng cạn còn nhiều điểm nghẽn.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang khẳng định, việc triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn vừa đảm bảo tuân thủ luật quy hoạch, vừa là tiền đề hoạch định các chính sách, giải pháp phát triển cảng cạn đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả khai thác cảng biển và các hoạt động vận tải nói chung.
Theo Thuý Hằng
Diễn đàn doanh nghiệp