Vấn đề nói trên được Bộ GTVT nêu ra trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Ai đủ năng lực quản lý, “thu-chi”?
Hiện nay, trên cả nước có 22 cảng hàng không (CHK) đang khai thác, trong đó có 10 CHK quốc tế và 12 CHK quốc nội; 21 CHK do nhà nước đầu tư xây dựng và khai thác; 1 CHK do tư nhân đầu tư và khai thác (CHK Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - PV). Tổng công suất thiết kế toàn mạng cảng hàng không năm 2018 đạt 95 triệu hành khách/năm.
Hiện nay tại Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 1 cảng hàng không do tư nhân đầu tư, khai thác, 21 sân bay còn lại được Bộ GTVT đề nghị giao cho ACV quản lý, khai thác
Trước khi cổ phần hóa, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước quản lý nằm trong giá trị của ACV.
Bộ GTVT cho biết, từ thời điểm cổ phần hóa ACV (tháng 4/2016) đến nay, ACV đang tiếp tục quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo chỉ đạo của Chính phủ, để đảm bảo hoạt động hàng không liên tục, an toàn. Tuy nhiên, từ sau cổ phần hóa ACV, việc đầu tư, nâng cấp bảo trì khối tài sản kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, Bộ GTVT dẫn chứng hiện nay đường cất-hạ cánh, đường lăn tại các CHK có công suất lớn như Tân Sơn Nhất - TPHCM, Nội Bài - Hà Nội đã vượt tần suất khai thác so với thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay nên cần phải được đầu tư nâng cấp.
Đường lăn sân bay Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng, "lượn sóng" uy hiếp an toàn bay
Bộ GTVT cho rằng, phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý chuyên ngành về hàng không là phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài nguyên công và Nghị định 44/2018/NĐ-CP, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý và tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận với tổ chức bộ máy hiện tại thì Cục chưa thể đáp ứng ngay các điều kiện để trực tiếp quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các CHK, sân bay trong cả nước, đảm bảo an ninh an toàn và các quy định của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO).
Mua lại vốn để ACV là doanh nghiệp nhà nước
Theo Đề án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao ACV quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tới hết năm 2025. Sau thời hạn này, Bộ GTVT sẽ đánh giá, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho Cục Hàng không Việt Nam quản lý, sử dụng.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để ACV là doanh nghiệp nhà nước.
Trong giai đoạn thực hiện Đề án được phê duyệt, Bộ GTVT kiến nghị số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được sử dụng để chi trả các chi phí quản lý, khai thác, chi phí bảo trì, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, trả nợ vốn do doanh nghiệp cảng đã ứng trước để đầu tư hạ tầng; thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật.
Phần tiền còn lại, sau khi kết thúc toàn bộ thời gian giao nộp vào ngân sách nhà nước, nhà nước ưu tiên bố trí số tiền đã nộp ngân sách để đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo quy hoạch, hoặc xử lý theo Đề án quản lý, khai thác giai đoạn tiếp theo được phê duyệt.
Trong Tờ trình này, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để ACV là doanh nghiệp nhà nước. Bộ GTVT cho rằng việc này sẽ tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về quốc phòng, an ninh cho hoạt động hàng không.
Châu Như Quỳnh