Luật bia rượu mới đang khiến một trong những thị trường bia phát triển nhanh nhất thế giới bị suy giảm nghiêm trọng.
Các công ty bia cho rằng, các hình phạt quá khắc nghiệt nên họ buộc phải giảm giá để thu hút thêm nhu cầu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Mức tiêu thụ bia của Việt Nam trước đó đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2004, thu hút các nhà sản xuất bia toàn cầu, từ Heineken NV đến Anheuser-Busch InBev tìm tới thị trường này để kiếm lời.
Theo luật mới, người điều khiển xe máy có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 8 triệu đồng, gấp đôi mức tối đa trước đó và có thể bị treo bằng lái trong 2 năm, tăng từ mức 5 tháng trước đó. Những người lái ô tô hoặc xe tải có thể bị phạt với mức phạt lên tới 40 triệu đồng và đình chỉ giấy phép lái xe. Luật cũng yêu cầu việc quảng cáo rượu giờ đây phải bao gồm các cảnh báo về sức khỏe và các cửa hàng cần thông báo cấm bán rượu cho những người dưới 18 tuổi.
Các nhà chức trách dường như cũng đang thực hiện nghiêm túc. Trong nửa đầu tháng 1, Bộ Giao thông vận tải đã phạt tổng cộng 21 tỷ đồng đối với 6.279 trường hợp vi phạm mới.
Một loạt các vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm ngoái liên quan đến các tài xế say rượu, trong đó có một bức ảnh cậu bé khóc bên cạnh xác chết của mẹ mình lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, dẫn đến nhiều ý kiến phản đối luật phạt say rượu quá nhẹ nhàng trước đây.
“Cuộc vận động hành lang của Bộ Y tế và các nữ chính trị gia như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã giúp thông qua luật”, theo ông Vũ Tú Thành, đại diện cấp cao Việt Nam của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN cho biết.
Các quan chức y tế cũng cho biết, việc Việt Nam tiêu thụ rượu tăng vọt trong các năm trước đây đã gây ra các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ước tính 79.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam gắn liền với rượu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bà Lê Thị Thu, một người quản lý chương trình của Tổ chức HealthBridge có trụ sở tại Hà Nội cho biết, hơn 80% người dân trên toàn quốc là những người thường xuyên uống rượu bia, có khả năng dẫn đến những tác động không tốt tới xã hội, bao gồm tai nạn xe cộ, bạo lực gia đình và gây rối trật tự xã hội. Theo WHO, tác động tiêu cực của lạm dụng rượu ở Việt Nam đã làm giảm từ 1,3% đến 3,3% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Hiệp hội nước giải khát bia rượu Việt Nam, đại diện cho các nhà sản xuất bia trong nước và quốc tế, đã ủng hộ việc có những chế tài cứng rắn hơn để nâng cao trách nhiệm của những người tham gia giao thông, nhưng cũng không quá đồng tình với mức phạt cao như vậy. Ông Lương Xuân Dung, Tổng thư ký Hiệp hội nói: “Ví dụ, các tài xế ô tô có thể bị phạt 8 triệu đồng chỉ vì uống một chút rượu”.
“Chúng tôi hiểu rằng quy định này là cần thiết để khiến mọi người có trách nhiệm hơn khi họ uống rượu hay tham gia giao thông”, ông Dung nói thêm. “Tuy nhiên, nó vẫn còn rất nhiều tranh cãi”.
Theo Euromonitor International, tầng lớp trung lưu đang tăng lên và dân số trẻ trung đã giúp tăng mức tiêu thụ bia của Việt Nam lên tới 284% trong giai đoạn 2004-2018. Đó là một lý do đằng sau việc hãng đồ uống Thái Lan - Thai Beverage bỏ ra 4,8 tỷ USD để thâu tóm Bia Sài Gòn khoảng hai năm trước.
Việt Nam, hiện nhà sản xuất bia lớn thứ ba ở châu Á-Thái Bình Dương về tổng khối lượng, có mức tiêu thụ bia quân đầu người tăng 30% trong giai đoạn 2013-2018 lên 43 lít, Euromonitor International cho biết.
Việc uống rượu bia ở Việt Nam thường liên quan tới với việc kinh doanh, xem thể thao và kỷ niệm ngày lễ. Giờ đây, đã có một số nhà hàng bia đang cung cấp miễn phí hoặc giảm giá cho xe máy hoặc taxi đưa về nhà cho những khách hàng quen.
“Người dân đã quen với việc uống mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào họ muốn”, ông Vũ Tú Thành nói.
“Nếu luật pháp được thi hành nghiêm túc và lực lượng cảnh sát thực hiện không nể nang, dung túng thì hình ảnh Việt Nam, không chỉ trong mắt người nước ngoài mà trong mắt người dân sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Thành nói thêm
Tuy nhiên, bộ luật này như một gáo nước lạnh đối với một số người uống rượu.
Thùy Dung
Theo Bloomberg