Kết quả kinh doanh ảm đạm của các công ty thép trong năm 2022
Hầu hết các công ty thép đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý III. Doanh thu của 3 công ty thép niêm yết lớn nhất (bao gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim) đã giảm 25% so với cùng kỳ và 18% so với quý trước đó khi nhu cầu thép yếu khiến cả sản lượng và giá bán đều giảm. Bên cạnh đó, giá đầu vào tăng cao (giá than cốc, HRC), lãi suất tăng và đồng VND suy yếu đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận lỗ ròng trong quý III.
Doanh thu của 3 công ty thép niêm yết lớn nhất đã giảm 25% so với cùng kỳ. |
Đáng chú ý, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với lợi thế sản xuất quy mô lớn là Hòa Phát cũng đã lỗ ròng 1.776 tỷ đồng trong quý III, khoản lỗ đầu tiên của công ty kể từ quý IV năm 2008.
Bất chấp việc giá bán thép vẫn tiếp tục giảm trong tháng 10- tháng 11, trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, công ty chứng khoán VNDirect vẫn kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty thép sẽ phục hồi từ quý IV khi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận vào giá vốn hàng bán của quý trước đó.
Các công ty thép đã giảm mức tồn kho xuống chỉ còn 2-3 tháng trong quý IV so với mức 4-5 tháng tại cuối quý II. Điều này sẽ làm giảm rủi ro từ việc trích lập giảm giá hàng tồn kho. Bên cạnh đó, việc giá giao ngay của các nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc, thép phế) cũng đang dần quay về mức trung bình.
Vì vậy, VNDirect đánh giá lợi nhuận của các công ty thép sẽ sớm chạm đáy, mặc dù tốc độ phục hồi sẽ khá chậm do nhu cầu thép yếu.
Biên lợi nhuận gộp của các công ty thép được kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý IV. |
Thị trường bất động sản nhà ở chậm lại đã khiến nhu cầu thép trong nước giảm
Giá thép toàn cầu tiếp tục giảm trong quý III ở tất cả các phân khúc, trong bối cảnh nhu cầu yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và giãn cách xã hội tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ thép (bao gồm thép xây dựng, ống thép và tôn mạ) tăng 5% so với cùng kỳ lên 4,05 triệu tấn trong quý III so với mức nền thấp trong quý III năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam. Trong quý III năm 2021, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép trong nước. So với cùng kỳ năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam trong quý III năm 2022 đã giảm 11%.
Thị trường bất đống ản nhà ở tại Việt Nam đã hạ nhiệt kể từ quý II do sự kiện bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất đống sản lớn (vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp), lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.
Ngành thép trong nước cũng đang chịu tác động từ những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới nhưng VNDirect cho rằng tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, công ty này kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ sẽ cùng giảm 3% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Từ cuối tháng 9, nhiều doanh nghiệp thép đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn như CTCP Thép Pomina thông báo đóng cửa lò cao - POM 2 kể từ ngày 25/09/2022; Công ty TNHH Thép Miền Nam đã cho nhân viên nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất trong quý IV, các nhà sản xuất tôn mạ lớn đã tạm ngừng một số dây chuyền sản xuất và Hòa Phát có kế hoạch đóng cửa 2 lò cao (trong 3 lò) tại nhà máy Hải Dương và 2 lò cao (trong 4 lò) tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào tháng 11.
Nếu nhu cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng trong tháng cuối năm, Hòa Phát sẽ xem xét đóng cửa thêm 1 lò cao nữa (lò thứ 5) vào tháng 12/2022. Với kế hoạch đóng cửa 5/7 lò cao tại 2 khu liên hợp sản xuất thép, đây là thông điệp rất tiêu cực của ban lãnh đạo tập đoàn này về nhu cầu thép trong ngắn hạn.
Ninh An