Công ty chứng khoán VNDirect vừa công bố báo cáo phân tích đối với Công ty cổ phần hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC). VNDirect đưa ra nhận định động lực tăng trưởng của hãng hàng không này đến từ thị trường hàng không quốc tế.
Trong quý III, Việt Nam đón khoảng 9,1 triệu khách quốc tế (tăng 85,5% so với cùng kỳ) đạt 92% mức trước dịch. Điều này có được là nhờ chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế và sự trở lại của du khách Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại hồi tháng 3. Dù vậy tong khi nhiều thị trường quốc tế gần như hồi phục, thậm chí vượt mức trước đại dịch như Mỹ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc (đạt 90-105% so với năm 2019) thì lượng khách Trung Quốc chỉ đạt tương ứng 38% so với mức trước dịch.
Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ qua từng quý, trong quý III tăng 32% so với quý trước. Số lượng hành khách của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt tới 80% mức trước dịch vào cuối năm 2024, và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2025.
Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng chính giúp Việt Nam phục hồi giao thông quốc tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho các hãng hàng không (lượng khách Trung Quốc chiếm 32% tổng lượng khách quốc tế trong năm 2019).
Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không quốc tế gần đây, Vietjet đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới đường bay mới đến Trung Quốc, Úc, Kazakhstan, Ấn Độ, v.v... Trong quý vừa qua, hãng hàng không này đã mở thêm 7 đường bay quốc tế mới để nắm bắt nhu cầu phục hồi, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay (45 đường bay nội địa và 80 đường bay quốc tế).
Việc tập trung vào thị trường quốc tế được đánh giá sẽ giúp Vietjet cải thiện biên lợi nhuận gộp vì hành khách quốc tế thường đóng góp vào doanh thu phụ trợ nhiều hơn so với hành khách nội địa do thời gian bay dài hơn.
Vietjet đẩy mạnh mở rộng các đường bay quốc tế (Ảnh: VNDirect). |
Trong quý III, VJC đã khai thác 36.000 chuyến bay và vận chuyển 6,8 triệu hành khách trong đó có 2,3 triệu khách quốc tế (tăng 127% so với cùng kỳ, tương đương 110% so với năm 2019).
Công suất ghế luân chuyển đã cải thiện 37% so với cùng kỳ lên 13.136 triệu ghế-km, nhờ sự tăng trưởng mạnh của mảng quốc tế, bù đắp mức giảm 19% so với cùng kỳ của công suất ghế luân chuyển nội địa.
Chỉ số khách luân chuyển (RPK) tăng 56% so với cùng kỳ lên 10.723 triệu khách-km nhờ lượng khách luân chuyển quốc tế tăng lên 6.139 triệu khách-km (tăng 134% so với cùng kỳ) bù đắp cho mức giảm 16% so với cùng kỳ của thị trường nội địa.
Theo đó, hệ số lấp đầy tăng lên 86,47% so với mức 73,96% trong quý III năm ngoái. Lượng khách quốc tế của doanh nghiệp này được dự báo sẽ tăng 260% so với cùng kỳ, lên 7,88 triệu khách trong năm 2023 (tương đương mức 98% trước dịch) và có thể tiếp tục tăng 12% và 15% trong giai đoạn 2024-25 (tương đương 110% /126% mức trước dịch).
Ninh An