Fica
  1. Doanh nghiệp

Biến động đại gia phố núi: Bên lãnh đạo tan rã, người rút vốn về trồng rừng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Biến động về hoạt động kinh doanh của các đại gia phố núi là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân trong tuần.

Quốc Cường Gia Lai còn 2 lãnh đạo

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai thông báo vừa nhận đơn xin từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT Nguyễn Văn Trường và Hồ Viết Mạnh. Song song đó, Trưởng Ban kiểm soát Đào Quang Diệu cũng nộp đơn từ chức. Cả 3 nhân sự quan trọng của Quốc Cường Gia Lai đều rút khỏi doanh nghiệp với lý do cá nhân. 

Biến động đại gia phố núi: Bên lãnh đạo tan rã, người rút vốn về trồng rừng - 1

Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan (Ảnh: Bùi Ngọc).

Ông Hồ Viết Mạnh sinh năm 1960, tham gia doanh nghiệp phố núi từ những ngày đầu thành lập. Ông Mạnh giữ chức Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường từ năm 2007 đến năm 2015 và sau đó làm thành viên HĐQT Quốc Cường Gia Lai. 

Còn ông Nguyễn Văn Trường sinh năm 1970, gia nhập công ty năm 2016. Ngoài vai trò thành viên HĐQT, ông Trường còn làm kế toán trưởng Quốc Cường Gia Lai. 

Như vậy, HĐQT Quốc Cường Gia Lai chỉ còn lại vỏn vẹn 2 nhân sự, gồm Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà và bà Nguyễn Thị Như Loan kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc. Ông Hà là người đồng hành cùng bà Loan từ lúc Quốc Cường Gia Lai mới chỉ là một xí nghiệp tư doanh.

Đại gia ngầm chi hơn 300 tỷ đồng mua một mã cổ phiếu

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), trong phiên giao dịch ngày 14/6, cá nhân ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã mua vào 17 triệu cổ phiếu VDS tương ứng tỷ lệ 17% vốn điều lệ của VDS, qua đó trở thành cổ đông lớn của công ty.

Đáng nói là trước giao dịch trên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp không hề nắm cổ phiếu VDS nào và cũng không có mối quan hệ nào với người nội bộ công ty.

Như vậy, với sở hữu tới 17 triệu cổ phiếu VDS, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đang là cổ đông lớn thứ hai tại Chứng khoán Rồng Việt, chỉ đứng sau ông Nguyễn Miên Tuấn với sở hữu 17,81 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 17,8%).

Cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng tăng 324% trong một năm

Tuần qua, VCI của bà Nguyễn Thị Thanh Phượng đã có 4 phiên tăng giá liên tiếp. Mã này tăng 6,8% lên 98.000 đồng và có lúc đã được giao dịch ở mức giá trần 98.200 đồng. Chỉ trong vòng một tuần, mã này đã tăng gần 21% và tăng gần 34% trong vòng một tháng. So với thời điểm này năm ngoái, VCI tăng giá trên 324%.

VCI vừa công bố kế hoạch phát hành thêm 166,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện là 1:1 (người sở hữu một cổ phiếu được nhận một cổ phiếu mới). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/6 và ngày đăng ký cuối cùng là 21/6.

Bầu Đức trở lại với ngành gỗ

Mới đây, theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, cơ quan này và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang họp bàn triển khai dự án tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Biến động đại gia phố núi: Bên lãnh đạo tan rã, người rút vốn về trồng rừng - 2

Bầu Đức trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Ngọc Hồi và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum.

Đây là dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện); xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén…

Huyện Ngọc Hồi, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum thống nhất thành lập tổ hỗ trợ đầu tư và tổ công tác cho dự án này. Thành viên của tổ được lựa chọn từ các đơn vị liên quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục đầu tư cho HAGL sớm triển khai dự án. 

Như vậy, sau 3 thập kỷ kể từ năm 1990, bầu Đức lại một lần nữa quay trở lại với ngành gỗ từng đưa ông lên vị thế số một.

Thế Hưng