Hàng loạt “ông lớn” tẩy chay, ngừng mua quảng cáo trên Facebook, Instagram
Tuần trước, một chiến dịch có tên gọi “Stop Hate For Profit” (Ngừng kiếm lợi nhuận từ sự thù ghét) đã được tổ chức bởi Liên đoàn chống phỉ báng, Hiệp hội vì sự tiến bộ của người da màu và nhiều tổ chức công bằng xã hội khác tại Mỹ… kêu gọi các công ty lớn tẩy chay Facebook vì không có biện pháp phù hợp để bảo vệ người da màu, không ngăn chặn các thông tin gây thù ghét, bạo lực hoặc phân biệt chủng tộc nhằm vào người da màu… trên nền tảng mạng xã hội của mình.
Facebook cũng bị chỉ trích vì thờ ơ, bao che trước các nội dung phân biệt sắc tộc và chỉ tập trung vào việc kiếm lợi nhuận từ các nội dung quảng cáo.
“Họ có thể bảo vệ và hỗ trợ người dùng da màu hay không? Họ có thể ngăn chặn sự diệt chủng hay không? Họ hoàn toàn có thể, nhưng họ không chọn làm điều đó”, nhóm tổ chức chiến dịch “Stop Hate For Profit” tuyên bố. “Hãy gửi đến Facebook một thông điệp mạnh mẽ: Lợi nhuận của bạn sẽ không bao giờ đáng để thúc đẩy sự thù ghét, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít và bạo lực”.
Hàng loạt công ty lớn, nhỏ kêu gọi tẩy chay Facebook vì không có chính sách đủ mạnh ngăn chặn các nội dung phân biệt chủng tộc
Chiến dịch “Stop Hate For Profit” kêu gọi các công ty lớn đồng loạt tẩy chay Facebook và Instagram (công ty con của Facebok), ngừng mua quảng cáo trên hai nền tảng mạng xã hội này cho đến khi nào Facebook có những chính sách quyết liệt và cứng rắn hơn để ngăn chặn những thông tin phân biệt chủng tộc và thù hằn sắc tộc trên nền tảng mạng xã hội của mình.
Nhà mạng lớn thứ 2 tại Mỹ, Verizon, là một trong những công ty hưởng ứng chiến dịch “Stop Hate For Profit” khi cho biết sẽ ngừng mua quảng cáo trên Facebook cho đến khi công ty này đưa ra một giải pháp “có thể chấp nhận được”.
Sau Verizon, Coca-Cola thông báo sẽ ngừng đặt mua quảng cáo trên nền tảng Facebook trong thời hạn 30 ngày, bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây. Coca-Cola cho biết sẽ dành khoảng thời gian 30 ngày này để đánh giá lại các tiêu chuẩn và chính sách quảng cáo của mình nhằm xác định xem Facebook có thực hiện các chính sách phù hợp để loại bỏ các nội dung phân biệt chủng tộc, bạo lực và không phù hợp hay không.
Cuối tuần trước, Honda chi nhánh tại Mỹ cũng thông báo sẽ ngừng đặt quảng cáo trên Facebook và Instagram trong tháng 7 này như một động thái để ủng hộ cộng đồng người da màu. Tuy nhiên, Honda không nói rõ có tiếp tục quảng cáo trên Facebook sau khi tháng 7 kết thúc hay không.
Hãng sản xuất sản phẩm tiêu dùng lớn nhất thế giới Unilever cũng cho biết sẽ ngừng mọi quảng cáo trên Facebook, Instagram và thậm chí cả Twitter từ nay cho đến khi năm 2020 kết thúc. Đây là một thiệt hại khá lớn cho các nền tảng mạng xã hội khi mỗi năm, Unilever thường chi ra hàng tỷ USD để chạy quảng cáo trên Facebook hay Twitter.
Unilever cho biết sẽ duy trì kế hoạch đầu tư cho quảng cáo bằng cách chuyển sang quảng cáo và tiếp thị trên các nền tảng khác, thay vì tập trung trên nền tảng mạng xã hội như trước đây.
Mới đây nhất, Starbucks là “ông lớn” tiếp theo sẽ ngừng mua quảng cáo trên tất cả nền tảng mạng xã hội (ngoại trừ Youtube), nhưng không cho biết sẽ thời hạn quay trở lại quảng cáo.
“Chúng tôi sẽ tạm ngưng quảng cáo trên tất cả các nền tảng mạng xã hội và tiếp tục thảo luận nội bộ, với các đối tác truyền thông và các tổ chức quyền dân sự để nỗ lực ngăn chặn những ngôn từ kích động thù hận và phân biệt chủng tộc” đại diện Unilever cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 100 công ty lớn, nhỏ khác nhau quyết định ngừng quảng cáo trên Facebook, Instagram và một số trong đó ngừng luôn cả việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter hay Youtube…
Việc bị hàng loạt công ty tẩy chay và ngưng quảng cáo đã khiến giá cổ phiếu của Facebook sụt giảm mạnh. Tính đến sáng ngày thứ 2 (theo giờ Mỹ), khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa trở lại, cổ phiếu Facebook đã mất giá 7%, xuống mức 209,5 USD/cổ phiếu, khiến giá trị thị trường của Facebook mất 56 tỷ USD, còn khối tài sản của CEO Mark Zuckerberg cũng đã “bốc hơi” hơn 8 tỷ USD.
Hiện giá cổ phiếu của Facebook đã tăng nhẹ trở lại, tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường dự đoán nếu chiến dịch tẩy chay Facebook tiếp tục kéo dài trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận của hãng trong quý III/2020 hoặc thậm chí của cả năm tài khóa 2020.
Facebook “xuống nước”, siết chặt kiểm duyệt nội dung sau khi bị tẩy chay
Để lấy lại hình ảnh và lòng tin từ các đối tác, Facebook cho biết sẽ siết chặt hơn nữa các nội dung quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội của mình, bao gồm các nội dung với ngôn từ gây thù ghét và phân biệt chủng tộc.
Chính sách mới của Facebook sẽ cấm các quảng cáo tuyên bố rằng những người thuộc chủng tộc, dân tộc, quốc gia, tôn giáo, khuynh hướng tình dục hay giới tính khác nhau… là mối đe dọa với sự an toàn về thể chất, sức khỏe hoặc sự sống còn của người khác. Chính sách mới của Faceook cũng hạn chế các nội dung quảng cáo thể hiện sự khinh miệt đối với người nhập cư hoặc người tị nạn.
Đáng chú ý, những hạn chế mới của Facebook chỉ áp dụng cho các nội dung quảng cáo và không ảnh hưởng đến các bài đăng mà không chi tiền để chạy quảng cáo. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng cá nhân hoặc các fan page lớn vẫn có thể đăng các nội dung với ngôn từ thù ghét hoặc phân biệt chủng tộc, miễn là họ không chi tiền để chạy quảng cáo cho các nội dung đó.
Sau những vụ bê bối làm lộ thông tin người dùng, Facebook lại phải đối mặt với những chỉ trích về các nội dung gây thù ghét và phân biệt chủng tộc. Rõ ràng, Facebook biết rõ cần phải có những biệt pháp và chính sách đủ mạnh để ngăn chặn những nội dung này trên nền tảng của mình, tuy nhiên, với hơn 2 tỷ người dùng trên toàn cầu, để loại bỏ triệt để các nội dung phân biệt chủng tộc là điều không hề dễ dàng gì với Facebook.
T.Thủy
Theo The Verge/SCMP