Nguồn thu ngân sách từ khai khoáng đang giảm mạnh (Ảnh minh họa)
Số DN được cấp nhiều, số vi phạm cũng lớn
Theo thống kê này, tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 2.889 tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.214 giấy phép do các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh thành cấp phép. Trong đó, Bộ TN&MT cấp phép theo thẩm quyền là 560 giấy (60 giấy phép thăm dò và 510 giấy phép khai thác khoáng sản). 3.644 giấy phép còn lại do các UBND tỉnh thành trong cả nước cấp.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cũng cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp ngân sách Nhà nước là 4.287 tỷ đồng. Trong đó thu từ giấy phép thuộc thẩm quyền Bộ TN&MT là 2.780 tỷ đồng, theo thẩm quyền của UBND các tỉnh là 1.570 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, khoản thu này vào khoảng 3.130 tỷ đồng.
"Đến cuối năm 2017, cả nước có 579 tổ chức cá nhân tạm dừng triển khai dự án với lý do khó khăn về tài chính, giá bán khoáng sản trên thị trường liên tục giảm, không tiêu thụ được sản phẩm hoặc khó khăn khi bồi thường, giải phóng mặt bằng…", thông tin từ Bộ TN&MT cho hay.
Trong số đó, Nghệ An có 53 đơn vị dừng hoạt động khai thác, Thái Nguyên 45 đơn vị, Bình Thuận 38 đơn vị, Yên Bái 30, Quảng Ngãi 28. Hà Tĩnh 25, Ninh Bình 20, Thanh Hóa 15… Còn lại là thuộc các tỉnh thành, địa phương khác như Phú Thọ, Quảng Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Thuận, Hà Nội, Quảng Ninh, Lài Cai, Lâm Đồng…
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, tính đến hết năm 2017, có khoảng 510 giấy phép do chính bộ này cấp còn hiệu lực hoạt động với 300 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên phạm vị 50 tỉnh thành. Trong đó, giấy phép cấp trước năm 2017 là 443 giấy phép; năm 2017 cấp mới là 32 giấy phép, 3 giấy phép chuyển nhượng và 7 giấy phép gia hạn.
Năm 2017, do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu khoáng sản chưa phục hồi nên sản lượng khai thác của Việt Nam cũng bị tác động mạnh. Cụ thể, sản lượng khai thác năm 2016 gồm vàng, nước khoáng, than, đồng, niken, thiếc, đá hoa trắng, đá xét xi mặt, trong đó than đạt 36,8 triệu tấn, giảm 1,7 triệu tấn; thiếc đạt 3,7 triệu tấn, giảm 1,9 triệu tấn…
Các khoáng sản có trữ lượng tăng gồm sắt, chì, kẽm, bauxit, mangan, titan, apatit. Trong đó, quặng sắt đạt 5 triệu tấn, tăng 1,8 triệu tấn, quặng chì – kẽm đạt 210.000 tấn, tăng 14.700 tấn, bauxit đạt 4,1 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn…
Giấy phép tăng nhưng thu ngân sách lại sụt giảm rất mạnh
Đáng chú ý, tính đến hết năm 2017, khoảng 404 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh cấp có hiệu lực. Trong đó cấp mới năm 2017 là 335 giấy phép. Những địa phương đứng đầu về số lượng giấy phép khai thác khoáng sản gồm Thanh Hóa với 28 giấy phép; Tây Ninh với 18 giấy phép, Quảng Ngãi 24 giấy phép, Phú Yên 36 giấy phép, Kon Tum 19 giấy phép.
Thống kê cũng cho thấy, tại các tỉnh thành nêu trên có tới 144.000 lao động địa phương tham gia làm việc tại các đơn vị khai thác khoáng sản với thu nhập khoảng 57 triệu đồng/mỗi người/năm. So với năm 2016, số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này đã giảm khoảng 1.000 người nhưng thu nhập bình quân lại tăng khoảng 7 triệu đồng/người một năm.
Về đóng góp cho ngân sách Nhà nước, số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2017, tổng thu ngân sách từ thuế tài nguyên của các địa phương đạt 8.723 tỷ đồng, giảm khoảng 2.600 tỷ đồng so với năm 2016. Nếu tính thêm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp trong năm 2017 thì tổng thu ngân sách từ khoáng sản tại các địa phương này vào khoảng 12.870 tỷ đồng.
Một số địa phương tiếp tục duy trì nguồn thu từ khoáng sản gồm Quảng Ninh khoảng 5.091 tỷ đồng; Lào Cai 1.101 tỷ đồng, Thái Nguyên 1.152 tỷ đồng, Đồng Nai 319 tỷ đồng, Bình Dương 392 tỷ đồng, Hà Nam 416,5 tỷ đồng, Nghệ An 355,4 tỷ đồng.
H.Anh