Theo ghi nhận của Vietnam Report, những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Trong số này, EVN có vốn điều lệ 160.000 tỷ đồng; PVN có vốn điều lệ 177.628,28 tỷ đồng; Viettel có vốn điều lệ 100.000 tỷ đồng và vốn điều lệ của Petrolimex là 10.700 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vingroup là tập đoàn tư nhân lớn nhất nước. Vốn điều lệ của Vingroup hiện ở mức 34.447,69 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam như "vua thép" Hòa Phát có vốn điều "khủng" là 44.729,23 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động có vốn điều lệ 4.532,1 tỷ đồng; THACO Trường Hải có vốn điều lệ 3.525 tỷ đồng và Tập đoàn DOJI có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, có một doanh nghiệp rất ít tên tuổi lại bất ngờ có vốn điều lệ vượt xa cả những doanh nghiệp hàng đầu nói trên, đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu.
Theo thông tin PV Dân trí tìm hiểu, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu được thành lập ngày 9/11/2018. Công ty có trụ sở tại số 143 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Thông tin tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu vào tháng 6/2019.
Trong lần đăng ký gần nhất vào tháng 6/6/2019, Toàn Cầu đã nâng vốn điều lệ từ 132 tỷ đồng lên 127.902,5 tỷ đồng tương đương với 5,5 tỷ USD và duy trì cho đến hiện tại.
Trong cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, nguồn vốn tư nhân chiếm 60% và vốn nước ngoài chiếm 40%.
Cổ đông ngoại góp 40% vốn điều lệ (giá trị vốn góp là 51.161 tỷ đồng) cho Toàn Cầu là ông David Aristole Phan có địa chỉ tại 315 N. Maple Dr. POBox 1840, Beverly Hills, CA 90210 (Mỹ).
Hồ sơ rò rỉ từ Tài liệu Panama (Panama Paper) cho thấy, cái tên David Aristole Phan có liên quan tới một doanh nghiệp là Sophy Investment.
Thời điểm mới thành lập, công ty này đăng ký hoạt động tại các lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất giống lợn; bán buôn thực phẩm (thịt, thủy sản, rau, quả, cà phê…). Vốn điều lệ lúc mới thành lập là 132 tỷ đồng với 5 cổ đông sáng lập là các cá nhân trong nước.
Trong số này, ông Bùi Văn Việt - Tổng Giám đốc công ty - góp 18% vốn, bà Phạm Thị Thành góp 36%; ông Đào Xuân Hậu góp 18%; ông Đỗ Công Đảng góp 18% và ông Trần Đức Thủ góp 10% vốn còn lại.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, công ty đăng ký ngành nghề chính là đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa. Bên cạnh bán buôn thực phẩm thì Toàn Cầu còn sản xuất kim loại quý và kim loại màu; đúc sắt, thép, sản xuất đồ kim hoàn, gia công cơ khí…
Sự xuất hiện của những "siêu doanh nghiệp" với vốn điều lệ (vốn đăng ký) lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng không phải đến nay mới có.
Còn nhớ, năm 2020, dư luận được một phen "rúng động" vì thông tin Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) có vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, thông tin này được xác nhận là do "nhầm lẫn" vì cổ đông đi đăng ký… uống rượu say.
Đến giữa năm nay, có thêm hai công ty là Tập đoàn Đầu tư Công nghệ tự động Toàn Cầu và Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn cầu đăng ký vốn điều lệ lần lượt là 500.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng.
Người đại diện pháp luật của hai công ty trên là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (SN 1986) khẳng định về góp đủ vốn là bình thường, nhưng sau đó, ông này lại nói trên sóng trực tiếp (livestream) cho biết "không có tiền" nhưng có chất xám.
Được biết, khi doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ thì các cổ đông có khoảng thời gian 90 ngày để góp đủ số vốn đã đăng ký. Nếu cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, doanh nghiệp điều chỉnh số vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được trả đủ.
Mặc dù việc khai khống đăng ký doanh nghiệp bị pháp luật cấm và xử phạt, tuy nhiên, mức phạt (nếu chứng minh được) thì cũng chỉ vào khoảng 15 triệu đồng.
Ghi chú: Thông tin được trích dẫn từ dữ liệu vốn điều lệ các công ty niêm yết thu thập trên sàn, các công ty khác từ Vietnam Report và Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.
Mai Chi