Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính vừa có thông báo về việc kiểm tra của các đơn vị nghiệp vụ về vụ việc Công ty Cổ phần Asanzo bị nghi là bóc tem Trung Quốc để gắn mác hàng Việt Nam.
Vụ việc của Asanzo bắt đầu có những thông tin sáng tỏ
Cụ thể, theo đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan, qua kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Công ty Asanzo đã làm 26 tờ khai hải quan nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu 171 triệu đồng.
Cơ quan hải quan cho biết: "Mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc".
Công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh 01 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuyếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc, số lượng 05 chiếc, trị giá 5.825.000 đồng.
Qua kiểm tra các đơn vị liên quan hoặc nghi vấn có liên quan đến hoạt động kinh doanh, đứng tên của của Asanzo trên thị trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Tuy nhiên, qua tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND Phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của các công ty có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Tổng cục Hải quan khẳng định có 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại địa chỉ trên thực tế; 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động đúng địa điểm đăng ký và 32 doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp vi phậm đa phần treo biển nhưng không có hoạt động; có địa chỉ đăng ký trên giấy phép kinh doanh nhưng không có thật.
"Một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên Cổng thông tin chưa cập nhật thông tin và có tình trạng chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ", Văn bản của Tổng cục Hải quan nêu.
Một diễn biến liên quan, một số báo trích dẫn nguồn tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết Asanzo đã chi hàng nghìn tỷ đồng để mua linh kiện sản xuất, lắp ráp tivi, ấm đun nước, bếp từ, bếp hồng ngoại, máy lạnh...
Việc mua linh kiện của Asanzo chủ yếu là từ các đối tác trong và ngoài nước, trong đó năm năm 2017 số tiền mua trị giá 552,8 tỷ đồng, năm 2018 là 1.075 tỷ đồng và năm 2018 là 235 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải làm rõ thời gian tới là mối liên hệ của các công ty này với Asanzo là gì, hóa đơn nhập khẩu, thuế, tờ khai nhập khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện cho Asanzo như thế nào? Vấn đề này chắc chắn sẽ mất thời gian thêm và có nhiều phức tạp.
Ngày 4/9, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo vụ việc của Asanzo lên Thủ tướng Chính phủ, ông này cho biết nội dung của Tổ Công tác của VCCI đã làm việc với Asanzo.
Ông Lộc cho rằng: "Các sản phẩm điện tử của Asanzo được lắp ráp tại Việt nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn mác hàng hóa là "sản xuất tại Việt Nam", "chế tạo tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ từ Việt Nam"... là phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam hiện hành".
Lãnh đạo VCCI nói: "Kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng có kết luận cụ thể vụ việc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động".
Chiều 4/9, tại buổi họp báo Thường kỳ Chính phủ tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng quan chức của Bộ Tài chính đều thông tin vụ việc Asanzo vẫn đang trong quá trình kiểm tra, xác minh chưa có kết quả chính thức.
Việc Asanzo bị tố và nghi ngờ bóc tem hàng Trung Quốc để gắn nhãn mác Việt Nam đã và đang kéo dài so với yêu cầu của Thủ tướng. Đồng thời, vụ việc này cũng khiến Asanzo phải tuyên bố đóng cửa nhà máy ngày 30/8 vừa qua.
Nguyễn Tuyền