Bánh mì thanh long đang là mặt hàng "hút khách". Ảnh: Đại Việt
Bánh mì thanh long đang là mặt hàng “hot” trong vài tuần trở lại đây. Câu chuyện giải cứu thanh long bằng hành động thiết thực đã lan tỏa mạnh mẽ trong giới doanh nhân và xã hội.
Tại một cửa hàng bán bánh mì, bánh ngọt trên đường Ông Ích Khiêm (quận 11), người dân ra vào tấp nập. Đa số người dân đến cửa hàng để mua bánh mì thanh long.
Chị Hoàng Thùy Vân (ngụ Long An) cho biết, hôm nay chị lên thăm người thân ở TPHCM và ghé vào cửa hàng để mua bánh mì thanh long về ăn và tặng cho mọi người.
“Tôi đến mua bánh mì thanh long sầu riêng nhưng chỉ còn bánh mì thanh long khoai môn và thanh long phô mai. Không có sầu riêng nên tôi mua nhân khoai môn với phô mai cũng được”, chị Vân nói.
Bánh mì thanh long nhân sầu riêng.
Theo ghi nhận của Dân trí, bánh mì thanh long khoai môn có giá 20.000 đồng/cái, bánh mì thanh long phô mai giá 22.000 đồng/cái. Bánh mì thanh long sầu riêng giá 25.000 đồng/cái nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Một nhân viên tại cửa hàng chia sẻ, bánh mì thanh long sầu riêng luôn hết sớm vì khách mua rất đông. Nhiều người đến muộn, không mua được bánh sầu riêng vẫn vui vẻ mua những loại bánh khác.
Tại một cửa hàng bán bánh mì và bánh ngọt trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), bánh mì thanh long sầu riêng cũng không có hàng để bán dù nhu cầu của khách hàng là rất lớn.
Anh Nguyễn Hùng Phi (ngụ quận 10) cho biết, anh đi đến 3 cửa hàng để tìm mua bánh mì thanh long sầu riêng nhưng vẫn chưa mua được bánh.
“Ba mẹ tôi và cả nhà đều thích ăn sầu riêng nên tôi quyết mua bằng được nhưng chắc phải chờ hôm khác đi tiếp. Hôm nay, tôi mua nhân phô mai cho cả nhà ăn trước", anh Phi nói.
Các cửa hàng bán bánh mì thanh long luôn rất đông khách. Ảnh: Đại Việt
Bà Kao Huy Minh, đại diện một doanh nghiệp bánh kẹo lớn tại TPHCM cho biết, doanh nghiệp này sản xuất nhiều loại nhân cho bánh mì thanh long nhưng loại nhân sầu riêng được khách hàng ủng hộ mạnh mẽ nhất.
“Chúng tôi nhập về 2 tấn nhân sầu riêng 6 Ri (bỏ vỏ, bỏ hạt) để làm nhân bánh nhưng đã hết. Công ty đang tiếp tục mua thêm sầu riêng 6 Ri để sản xuất bánh. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm loại bánh mì thanh long nhân trứng muối để khách có thêm sự lựa chọn”, bà Minh nói.
Theo bà Minh, sở dĩ bánh mì thanh long “hút hàng” bởi đây là loại bánh mì tươi, các loại nhân cũng tươi nên giữ được hương vị thơm ngon nhất, không như những loại bánh có thời hạn bảo quản dài ngày.
Đối với bánh mì thanh long, loại bánh này chỉ sử dụng trong ngày. Nếu không bán hết, các cửa hàng sẽ buộc phải hủy bánh.
Bánh mì thanh long nhân phô mai có giá 22.000 đồng/cái. Ảnh: Đại Việt
Cũng theo bà Minh, ngoài việc sản xuất bánh mì thanh long phục vụ thị trường trong nước thì doanh nghiệp vẫn đang sản xuất bánh xuất nhiều loại bánh khác khẩu đi thị trường Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xuất khẩu bánh sang Hàn Quốc có phần chậm hơn trước. Chính vì vậy, doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Anh, Úc.
Làn sóng “giải cứu” nông sản, đặc biệt là thanh long, dưa hấu vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi.
Sau bánh mì thanh long, pizza thanh long, bún thanh long, hoành thánh thanh long, bánh bao thanh long, bún dưa hấu…thì mới đây, một doanh nghiệp thực phẩm tại Khánh Hòa cũng vừa cho ra mắt sản phẩm độc đáo không kém, đó là chả cá thanh long.
Ngoài câu chuyện giải cứu thể hiện sự “tương thân tương ái” của người Việt với nhau thì nông sản trong nước cũng đang dần khẳng định được những giá trị của mình nếu như được các doanh nghiệp chung tay. Những doanh nghiệp chịu khó tìm tòi, sáng tạo sẽ biết cách “biến hóa” những nông sản bình dân trở thành những sản phẩm có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong kinh doanh.
Đại Việt