Fica
  1. Doanh nghiệp

Bán bột giấy Phương Nam nhưng không phải ‘giá nào cũng bán’

Không bán rẻ mà sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư tiềm lực để có thể thu hồi tối đa vốn về cho nhà nước – đây là quan điểm của Tổng công ty Giấy Việt Nam trước một số thông tin cho rằng dự án bột giấy đang xin bán bằng mọi giá.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty đầu tư Phát triển giao thông Vận tải (TRACODI) đầu tư và được chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam giữa năm 2009. Đây là dự án có quy mô công suất và tổng mức đầu tư tương đối lớn, sử dụng nguyên liệu mới, công nghệ thiết bị mới  trong ngành sản xuất bột giấy và giấy ở Việt Nam. 

Kể từ khi tiếp quản, Tổng công ty Giấy cho biết doanh nghiệp đã cố gắng tối đa để hoành thành các hạng mục xây dựng lắp đặt thiết bị chạy thử không tải và có tải. Thế nhưng, việc chạy thử có tải đã không thành công. Điều này xuất phát từ nguyên nhân là hệ thống thiết bị không phù hợp với cây đay. Dây chuyền thiết kế được dựa trên công nghệ chưa được kiểm chứng trong thực tế sản xuất để cho ra sản phẩm cuối cùng.

undefined
 

Tổng công ty Giấy cho biết chính vì điều này hồi tháng 6/2014, Chính phủ đã quyết định dừng đầu tư dự án và giao cho các bộ ngành chức năng khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với  nhà máy này theo hướng thanh lý hoặc bán nhượng. 

Tháng 9/2016, Chính phủ thông qua chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho tại thời điểm ngày 31/12/2015 của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và giao cho Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam thực hiện các công việc như thuê tư vấn thẩm định giá, lập phương án đấu giá và xây dựng giá khởi điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đấu giá.

Mức giá khởi điểm được phê duyệt là gần 1.900 tỷ đồng. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai 3 đợt đấu giá. Việc tổ chức bán đấu giá chưa thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá và Tổng công ty đã báo cáo các đơn vị chức năng được biết. 

Trong việc này Tổng công ty Giấy Việt Nam cho rằng doanh nghiệp đã rất cố gắng triển khai thực hiện dự án nhưng việc phải dừng đầu tư và tiến hành xử lý dự án là ngoài mong muốn. Tổng công ty Giấy sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để bán nhằm thu hồi tối đa tài sản của nhà nước. Và hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến dự án này. 

Nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Gần 10 năm triển khai và "rót" vào gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, công trình ngàn tỷ đang được xây dựng phương án thanh lý và phương án trả khối nợ "khổng lồ".

 

Dự án Bột giấy Phương Nam được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) - một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy. Năm 2009, khi chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), theo chỉ đạo, Vinapaco phải nhận nợ bắt buộc với Bộ Tài chính và trả nợ trong thời gian tối đa là 5 năm (thời gian dự kiến từ khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động và có nguồn thanh toán).

Dù đã quá thời hạn này, nhưng khoản nợ trên và nhiều khoản nợ khác của nhà máy giấy này vẫn chưa được thanh toán. Tại một báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, theo số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2015, tổng nguồn vốn của dự án là 2.703 tỷ đồng thì có tới 2.426 tỷ đồng là nợ dài hạn và 225,8 tỷ đồng nợ ngắn hạn.

Đối với các khoản nợ phải trả, Bộ Công Thương đề nghị Vinapaco tiếp tục thanh toán cho các nhà thầu và Bộ Tài chính tiếp tục trả nợ cho ngân hàng đối với khoản vay đã đến hạn. Tiếp đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục cho Tổng công ty Giấy vay Quỹ tích luỹ trả nợ để trả nợ nước ngoài cho tới khi Thủ tướng phê duyệt phương án xử lý dự án.

Cũng phải nói thêm rằng, vào thời điểm chuyển giao chủ đầu tư từ 7 năm trước, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu tiếp tục cho chủ đầu tư vay từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay phải trả cho Ngân hàng Societe General trong 2 năm 2009-2010, với tổng cộng 18,9 triệu euro. Tuy nhiên, lần này, với lý do quỹ tích luỹ trả nợ là có hạn, nên Bộ Tài chính đã "dứt khoát" trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng công ty Giấy Việt Nam cân đối thu chi tài chính và có trách nhiệm trả khoản nợ này.

H.Anh