Fica
  1. Doanh nghiệp

Bamboo Airways nợ như “chúa chổm”, gửi 24 văn bản vẫn chây ì không trả!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bamboo Airways thừa nhận lỗ nặng sau hơn 1 năm lấn sân kinh doanh hàng không, trong khi đó các “chủ nợ” đã phát vài chục văn bản hối thúc, đòi tiền dịch vụ thu hộ nhưng hãng này không…trả!

Thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay (VATM), Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Công ty cổ phần mặt đất Hà Nội (HGS)... gửi nhiều văn bản thúc nợ Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) trong tháng 2, tháng 3 và đầu tháng 4.

Các chủ nợ cũng đồng thời gửi báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình công nợ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 mà hãng hàng không tư nhân này chưa chịu thanh toán.

Đại diện VATM cho biết, từ tháng 6/2019 đến nay, Bamboo Airways thường xuyên chậm trả các khoản thu hộ dịch vụ cung cấp bay với thời hạn 20 ngày trở lên. Hiện tại, Bamboo Airways còn nợ các hóa đơn từ tháng 12/2019 và 2 tháng đầu 2020 với số nợ là 38,6 tỷ đồng.

Theo đại diện VATM, đơn vị đã yêu cầu hãng Bamboo Airways phải thanh toán công nợ điều hành các chuyến bay còn lại ở trên tại thời điểm hết tháng 3 năm nay.

“Nếu trả được nợ thì sẽ được giãn thời gian cung cấp dịch vụ điều hành bay từ tháng 3 trở đi thêm 3 tháng. Nếu không, để tránh thất thu, VATM sẽ trực tiếp thu tiền dịch vụ từng chuyến tại sân bay khởi hành từ đầu tháng 4 cho đến khi hãng thanh toán số công nợ kể trên” - đại diện VATM cho hay.

Bamboo Airways nợ như “chúa chổm”, gửi 24 văn bản vẫn chây ì không trả! - 1

Bamboo Airways đang nợ nần chồng chất

Cũng bị Bamboo Airways nợ kéo dài và đòi mãi không trả, ACV nhiều lần gửi văn bản nhắc nợ với tổng số nợ lên đến hơn 205 tỷ đồng. Trong đó, số nợ quá hạn của Bamboo Airways là hơn 178,7 tỷ đồng và 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả, 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo ACV thông tin: Tổng số nợ quá hạn của Bamboo Airways là hơn 178,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 107 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV; hơn 71 tỷ đồng Bamboo Airways nợ tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho hãng

Lãnh đạo ACV thông tin, từ tháng 5/2019 đến nay đã gửi 24 văn bản đốc thúc, yêu cầu Bamboo Airways thanh toán nợ theo hợp đồng đã ký. Hãng này cũng không thực hiện đảm bảo số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo quy định. Hai bên đã nhiều lần trao đổi, yêu cầu Bamboo Airways thực hiện việc bảo lãnh nhưng hãng hàng không chưa làm.

“ACV đòi tiền dịch vụ cảng hàng không mà Bamboo Airways đã thu hộ trong vé máy bay, đây thực chất là tiền mặt mà Bamboo Airways không được giữ nhưng hàng này đã cầm của ACV và không thanh toán theo hợp đồng trong gần một năm qua” - lãnh đạo ACV cho biết.

Trước tình hình nợ nần của doanh nghiệp ngành hàng không, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp nhận xử lý các vấn đề liên quan và sự chây ì không thanh toán nợ của Bamboo Airways.

Mới đây, trong văn bản gửi tới Bamboo Airways, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu hãng hàng không tư nhân này phải khẩn trương báo cáo về tình hình công nợ, phương án giải quyết và tình hình tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh, tình hình trả nợ quá hạn kéo dài cho các doanh nghiệp.

Ngày 6/5, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Bộ GTVT cho biết hiện Bamboo Airways vẫn chưa thanh toán nợ, chưa có báo cáo về phương án thanh toán hay giải trình cụ thể về năng lực tài chính đảm bảo kinh doanh hàng không.

Mới đây, nói về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways - không nhắc tới việc thanh toán nợ nần và bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu của Bamboo Airways là giành 30% thị phần nội địa vào cuối năm 2020, trong đó tập trung chủ chốt vào các đường bay được Bamboo Airways xác định là trọng điểm.

Chủ tịch của hãng hàng không đang thua lỗ nặng vẫn khẳng định sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng đội máy bay lên tối thiểu 40 tàu đến cuối năm 2020 và vẫn hướng tới duy trì mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019, nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt hơn dự kiến, các điều kiện thị trường vận động theo hướng tích cực, hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô trong quý 3 và quý 4/2020.

Châu Như Quỳnh