Công ty cổ phần FECON (mã chứng khoán: FCN) mới đây vừa công bố báo cáo tài chính quý III với loạt chỉ tiêu “đi lùi”.
Doanh thu FECON đạt 664 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu khác như doanh thu tài chính tăng 60% lên 16,7 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh 51% lên tới 55,8 tỷ đồng, chủ yếu do tăng mạnh khoản chi phí lãi vay.
FECON lý giải chi phí lãi vay có sự tăng mạnh do phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Quý III/2021, chi phí lãi vay này được vốn hóa vào chi phí đầu tư của dự án, nhưng trong quý III năm nay thì được gộp vào chi phí lãi vay trong kỳ, khi dự án điện gió đã đi vào vận hành thương mại từ cuối tháng 10/2021.
Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã được điều chỉnh tăng nhanh và mạnh, dẫn đến chi phí lãi vay hợp nhất của công ty tăng cao so với cùng kỳ.
Trong quý III, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao. Kết quả, FECON báo lãi vỏn vẹn 749 triệu đồng, kém xa so với mức lợi nhuận 20,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm, FECON đạt 2.205 tỷ đồng doanh thu thuần và 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu đi ngang so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận giảm tới 97%.
(Biểu đồ: Thảo Thu). |
Năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%. Như vậy, công ty thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu và 0,7% mục tiêu lợi nhuận.
Doanh nghiệp lý giải do trong quý III tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp,khiến doanh thu bị giảm so với cùng kỳ.
Dòng tiền đầu tư của FECON ghi nhận âm 423 tỷ đồng ở cuối quý III, giảm hơn nửa so với cùng kỳ, tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của doanh nghiệp đã bù đắp cho các khoản cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.
Tổng tài sản của công ty xây dựng đến hết tháng 9 đạt 7.528 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Cơ cấu tài sản vẫn nằm chủ yếu ở tài sản ngắn hạn, với hàng tồn kho tăng nhẹ 4% so với đầu năm lên 1.735 tỷ đồng, đa phần là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
Nợ phải trả tại cuối quý III của FECON ghi nhận gần 4.128 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản và cao gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu.
Thảo Thu