Liên quan đến thương vụ Tổng Công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG, tính tới thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 9 bị can.
Chín người bị Bộ Công an bắt giam trong thương vụ MobiFone-AVG.
Cụ thể, ngày 10-7-2018, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại MobiFone và các đơn vị liên quan.
Cùng đó, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Nam Trà (cựu chủ tịch HĐTV MobiFone) và Phạm Đình Trọng (vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT) về tội danh nói trên.
Vẫn với tội danh này, cơ quan CSĐT Bộ Công an lần lượt khởi tố, bắt giam bốn bị can khác, gồm: Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT).
Tiếp đó, ngày 12-4-2019, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ.
Từ căn cứ trên, cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch HĐTV AVG) về tội đưa hối lộ.
Đặc biệt, CQĐT đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải về tội nhận hối lộ.
Ngoài ra, hai bị can khác cũng bị khởi tố, bắt giam về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Họ gồm Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc) và Hoàng Duy Quang (nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định AMAX).
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, MobiFone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ TT&TT phê duyệt dự án đầu tư…
Khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ TT&TT phê duyệt, MobiFone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Khi lựa chọn phương án đầu tư, MobiFone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh…
Những vi phạm làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại MobiFone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.
Theo T.PHAN
Pháp luật TPHCM