Fica
  1. Doanh nghiệp

8 đại dự án điện của PVN: Vì sao trầy trật tiến độ?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ…

8 đại dự án điện của PVN: Vì sao trầy trật tiến độ? - 1

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề vốn.

Trong một báo cáo mới đây về tình hình thực hiện các dự án điện, Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW.

Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Tuy nhiên đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cụ thể theo báo cáo, hiện PVN có 3 dự án đang xây dựng, đó là Thái Bình II, Long Phú I, Sông Hậu I. Các dự án này đều chậm tiến độ 2-3 năm.

Chưa bộ ngành nào cho ý kiến về đề xuất của PVN tại dự án Thái Bình 2

Tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết tiến độ tổng thể đạt 84,14%, hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện.

Tuy nhiên dự án đang bị chậm tiến độ do những khó khăn vướng mắc như PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhiệt điện than; ngoài ra PVC sử dụng tiền tạm ứng cho dự án (1000 tỷ đồng) vào mục đích khác gây thiếu vốn thực hiện dự án.

Theo báo cáo của PVN, cần khoảng 2.500 tỷ đồng để bù đắp các khoản do Tổng thầu PVC đã làm mất và chi phí phát sinh do chậm tiến độ.

Ngoài ra dự án này cũng khó khăn khi thiếu hụt nguồn vốn: Khoảng 326,8 triệu USD vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018 (chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn); khoảng 7.100 tỷ đồng dự kiến vay trong nước chưa ký được hợp đồng vay.

Để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cần có ý kiến của các bộ, cơ quan chức năng, đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại PVN.

Tuy nhiên, đến nay Cục vẫn chưa nhận được ý kiến của các bộ, ngành. Cục điện lực cho biết sẽ chủ động chuẩn bị dự thảo để đến ngày 20/7/2019. Kể cả trường hợp vẫn chưa đủ ý kiến bộ ngành, Cục vẫn sẽ trình Lãnh đạo Bộ dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của PVN.

Khó khăn chồng chất ở Long Phú 1

Trong 3 nhà máy nhiệt điện than PVN đang đầu tư, Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (vốn đầu tư hơn 29.500 tỷ đồng) được đánh giá khó khăn hơn cả.

Theo Cục điện lực và năng lượng tái tạo, khối lượng công việc ước tính đạt 77,56% so với kế hoạch.

Dự kiến đưa vào hoạt động tổ máy số 1 năm 2023, tổ máy số 2 năm 2023 tuy nhiên dự án đang bị chậm tiến độ do những khó khăn vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với PM.

Theo đó, các hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Mỹ không thể tiếp tục giao dịch với PM; Các hợp đồng đã ký giữa PM với thầu phụ không thể giao dịch bằng đồng USD. Do đó PM không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC dự án.

Tại dự án này, nhà thầu Power Machines hiện không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì không giải quyết được các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận và đã đề xuất PVN xem xét phương án cấu trúc lại và hoặc chấm dứt thực hiện Hợp đồng EPC.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết đã yêu cầu PVN là chủ đầu tư dự án khẩn trương đàm phán với PM về các phương án và đề xuất phương án xử lý tối ưu (giảm thiểu thiệt hại cho Việt Nam, sớm đưa dự án vào hoạt động), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1: Một số nhà thầu có năng lực hạn chế...

Mặc dù được đánh giá là khả quan nhất trong 3 dự án nhiệt điện than của PVN, song đến nay nhiệt điện Sông Hậu 1 vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

Cụ thể theo báo cáo, đến này tiến độ tổng thể đạt 72% (so với kế hoạch 97,3%). Dự kiến đưa vào hoạt động tổ máy số 1 năm 2021, tổ máy số 2 năm 2021.

Các vướng mắc chủ yếu tại dự án này bao gồm: Chưa có quy định phương thức điều chỉnh giá hợp đồng EPC nên chủ đầu tư và tổng thầu gặp nhiều khó khăn trong thanh toán do đó chưa đáp ứng tiến độ thi công; một số nhà thầu phụ có năng lực hạn chế nên không huy động đủ máy móc, nhân lực, tài chính để thực hiện công việc; các định mức đơn giá do nhà nước ban hành chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp...

Ngoài ra, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, PVN đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cho 4 dự án (Nhơn Trạch 3&4, Miền Trung 1&2, Sơn Mỹ 2, Kiên Giang 1&2).

Cả 4 dự án này dự kiến đều chậm tiến độ phát điện 2,5-3,5 năm so với yêu cầu của quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Nguyễn Mạnh

8 đại dự án điện của PVN: Vì sao trầy trật tiến độ? - 2