Sau khi cuộc hội thảo diễn ra, phía Hiệp hội taxi Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý Nhà nước và cho rằng, có tới 4 điểm bất bình thường và chưa khách quan tại cuộc hội thảo này.
Cụ thể, phía Hiệp hội khẳng định rằng, phía Hiệp hội không cố tình bảo vệ bản thân bằng mọi giá, mà dựa trên cơ sở hợp lý, khách quan, khoa học,…vì sự phát triển chung của ngành vận tải.
Việc quản lý taxi công nghệ như thế nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn
Thế nhưng, phía ban tổ chức Hội thảo đã không gửi giấy mời tới các Hiệp hội taxi. Cho dù đây là đối tượng được điều chỉnh, bị ảnh hưởng nhiều nhất và có nhiều ý kiến chưa đồng tình với dự thảo nghị định.
Thậm chí theo phía Hiệp hội, các đại biểu được đưa vào danh sách phát biểu của Ban tổ chức đều có ý kiến bảo vệ cho Grab và xe hợp đồng trá hình.
Điều bức xúc thứ 2 Hiệp hội gửi tới cơ quan quản lý là việc, bài phát biểu của một vài đơn vị như Taxi Vinasun đã được gửi tới Ban tổ chức từ trước khi hội thảo diễn ra 3 ngày nhưng không được in ra để gửi cho các đại biểu có mặt tại đó.
Không chỉ vậy, phía Hiệp hội taxi tỏ ra khá bất bình khi các bài phát biểu tại hội thảo đều có nội dung trùng với quan điểm của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Điều đó đồng nghĩa với việc các ý kiến đó đều trái với nguyện vọng của các Hiệp hội taxi trên cả nước.
Sự thiếu khách quan thể hiện rõ nhất theo Hiệp hội taxi là khi người điều hành hội thảo là Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã gợi ý bênh vực cho Grab và phê phán taxi truyền thống mà không cần phân tích nguyên nhân.
Trong khi đó, các ý kiến phát biểu phân tích những bất hợp lý khi cho rằng Grab là xe hợp đồng điện tử thì bị Chủ tọa ngắt lời và cho rằng nói như vậy là sai, là bảo thủ.
Ngay cả những ý kiến phân tích và đề nghị các giải pháp chống xe trá hình và xe dù, bến cóc cũng bị Chủ tọa ngắt lời và gạt đi vì cho rằng không hợp lý, thêm thủ tục hành chính...
Cho dù hiện nay, taxi truyền thống vẫn còn nhiều bất cập. Thế nhưng, bất bình của phía Hiệp hội taxi không phải không có lý. Bởi hội thảo tổ chức ra là để lắng nghe tất cả các ý kiến, từ đó có cái nhìn toàn diện, khách quan, chứ không thể định hướng rất rõ ý định nghiêng về bên nào.
Trước đó, góp ý về dự thảo Nghị định 86, Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng "tư duy của nhà quản lý hiện vẫn không chịu đổi mới" và việc ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là "sai lầm nghiêm trọng".
Văn bản do Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung ký cho rằng, những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, có thể phải chịu những rào kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này.
Do đó, trong văn bản góp ý hơn chục trang gửi Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014, Viện trưởng CIEM đề xuất "không nên thông qua dự thảo này". Và nếu vẫn cần một Nghị định thay thế Nghị định 86, chuyên gia CIEM góp ý, cần chuyển mạnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Thế Hưng