Tình hình thanh khoản trên thị trường sáng nay (10/1) không cho thấy sự cải thiện nào đáng kể. Khối lượng giao dịch trên HoSE dừng lại mức 164,82 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 3.527,87 tỷ đồng.
Trên HNX, khối lượng giao dịch là 20,12 triệu cổ phiếu tương ứng 299,14 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 18,34 triệu cổ phiếu tương ứng 148,28 tỷ đồng. Tổng lượng tiền đổ vào giao dịch trong phiên sáng trên cả 3 sàn loanh quanh mức 4.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dòng tiền yếu, VN-Index tiếp tục lùi bước về sát vùng hỗ trợ cứng 1.240 điểm. Sáng nay, chỉ số giảm 3,92 điểm tương ứng 0,32% còn 1.241,85 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm tương ứng 0,09% còn UPCoM-Index cũng giảm 0,46 điểm tương ứng 0,49%.
Tuy mức giảm của chỉ số không lớn nhưng trên toàn thị trường có tới 407 mã giảm giá. Số mã tăng là 253 mã. Lượng cổ phiếu bị "đóng băng" thanh khoản, không phát sinh giao dịch nào chiếm tỷ trọng lớn, với 794 mã.
Diễn biến tại nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đang có ảnh hưởng trái chiều lên VN-Index. CTG chỉ tăng 0,4% nhưng là cổ phiếu có tác động tích cực nhất đối với chỉ số.
Trong khi đó, chiều ngược lại, một loạt mã cùng ngành suy giảm và gây áp lực đáng kể với thị trường: BID giảm 1,3%; HDB giảm 2,5%; NAB giảm 3,5%; STB giảm 1,6%, LPB giảm 1%, một loạt mã khác điều chỉnh, gồm MBB, MSB, ACB, TCB, EIB, OCB, VPB.
Rổ VN30 có đến 19 mã giảm giá, theo đó, chỉ số VN30-Index mất 5,61 điểm tương ứng 0,43%. Ngoài các mã ngân hàng kể trên, việc các mã bluechips khác điều chỉnh cũng có tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường: BCM giảm 1,4%; VRE giảm 1,2%; SSI, PLX, HPG, MSN, BVH, VNM, VJC, VHM, VIC đồng loạt điều chỉnh.
Phần lớn cổ phiếu có diễn biến tăng đầu phiên rồi quay đầu suy giảm. Chẳng hạn như tại nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, VDS, EVF, VND, VIX, SSI, HCM đều có giao dịch tại mức giá "xanh" nhưng đều tạm kết phiên sáng ở mức giá "đỏ". Trong đó, VDS giảm 1,9%; EVF giảm 1,3%.
Cổ phiếu APG gây chú ý với phiên thứ 3 tăng trần liên tiếp. Khớp lệnh tại mã này tăng đột biến lên 1,24 triệu đơn vị và có dư mua giá trần, các lệnh bán đều được hấp thụ toàn bộ. Một số mã khác như ST8, STG và VAF cũng tăng trần nhưng thanh khoản khiêm tốn.
Sàn HoSE chỉ có duy nhất một mã giảm sàn là SBV. Sáng nay, YEG vẫn giảm nhưng không bị bán tháo, mức giảm mạnh 4,4%, thị giá lùi về 15.150 đồng. Cổ phiếu TMT giảm 1,6% còn 12.500 đồng và có lúc tăng lên 13.200 đồng.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng tiền hỗ trợ vẫn kém dẫn đến trạng thái kém sắc của thị trường. Mặc dù đang được hỗ trợ tại vùng 1.243 điểm nhưng với trạng thái kém sắc hiện tại, có khả năng thị trường sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1.240 điểm, vùng điểm thấp của tháng 12/2024. Dự kiến vùng này vẫn có tác động hỗ trợ cho thị trường trong thời gian gần tới.
Nhà đầu tư được lưu ý cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại thị trường, tạm thời nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc mua ngắn hạn nếu thị trường ghi nhận tín hiệu hỗ trợ tốt từ dòng tiền, ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh.