Đầu phiên chiều nay (15/11), VN-Index có dấu hiệu bật hồi khi chạm ngưỡng 1.220 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư sớm thất vọng trở lại bởi sau 14h, chỉ số quay đầu giảm. Lực bán gia tăng khiến VN-Index thủng mốc 1.220 điểm quan trọng.
Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên đánh rơi 13,32 điểm tương ứng 1,08% còn 1.218,57 điểm. VN30-Index mất 15,43 điểm tương ứng 1,2%; HNX-Index giảm 2,28 điểm tương ứng 1,02% và UPCoM-Index giảm 0,53 điểm tương ứng 0,58%.
Cầu giá thấp được kích hoạt, nhờ vậy, thanh khoản thị trường được cải thiện ở phiên lao dốc. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 750,56 triệu đơn vị tương ứng 18.648,95 tỷ đồng; trên HNX là 61,08 triệu đơn vị tươn gứng 1.133,26 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 39,47 triệu cổ phiếu tương ứng 460,88 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm với 617 mã giảm giá trên toàn thị trường, lấn át 252 mã tăng. Mặc dù chỉ có 39 mã giảm sàn nhưng tài khoản nhà đầu tư bị bào mòn đáng kể sau nhiều phiên liên tục thị trường biến động, một số mã giảm giá sâu.
Vốn rất nhạy với chỉ số, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần. VDS giảm 4,9%; CTS giảm 4,6%; AGR giảm 4,1%; DSC giảm 3,5%; TVB giảm 3,4%; SSI giảm 3%; TVS giảm 2,9%; HCM giảm 2,6%; BSI giảm 2,6%...
Với việc cổ phiếu chiết khấu liên tục, khớp lệnh tại một số mã tăng vọt vào chiều nay. VIX khớp lệnh 29,4 triệu đơn vị, SSI khớp lệnh 25,5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngân hàng giảm trên diện rộng, tron gđó, EIB giảm 3%; MSB giảm 2,6%; HDB giảm 2,2%. Nhiều mã giảm trên 1% như MBB, OCB, SHB, CTG, TCB, VPB, BID. Hai mã SSB và LPB tăng giá, song mức tăng khiêm tốn, lần lượt đạt 0,3% và 0,2%, theo đó không tác động đáng kể lên chỉ số.
Phần lớn cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu giảm giá, đặc biệt có những mã giảm rất sâu. DXV và HU1 giảm sàn, dù vậy, thanh khoản tại những mã này thấp. PC1 giảm 3,7%; FCM giảm 3,4%; CDC giảm 2,9%; HHV giảm 2,7%.
VTP của Viettel Post trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index. Cổ phiếu này tăng trần lên 122.500 đồng với khớp lệnh 2,4 triệu đơn vị, dư mua giá trần.
Một số mã bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ được trạng thái tăng tốt bất chấp thị trường điều chỉnh mạnh. VRC tăng trần, trắng bên bán, TLD tăng 3,3%; KBC tăng 2,4%; SZC tăng 2,3%; SCR tăng 1,2%; DXG tăng 0,9%.
Thị trường đóng cửa cuối tuần tại vùng giá thấp nhất phiên cho thấy áp lực bán mạnh và rủi ro với phiên đầu tuần tới hiện hữu.