Fica
  1. Bất động sản

TS Trần Du Lịch: Nên "nuôi nợ để đòi nợ" với doanh nghiệp khó khăn

Bài lấy lại
Bài lấy lại

TS Trần Du Lịch cho rằng, nên sử dụng phương án "nuôi nợ để đòi nợ" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lúc này, tức giúp họ thoát khỏi khó khăn trước rồi trả nợ sau.

Vượt qua cú "sốc" để phục hồi

Tại buổi tọa đàm Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng tổ chức ngày 28/10, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết từ tháng 6 đến tháng 10, hơn 70% sàn giao dịch bất động sản gặp khó khăn, 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh.

Trong thử thách, các chủ đầu tư, nhà môi giới đã tổ chức hoạt động giới thiệu các dự án thông qua nền tảng công nghệ. Nhiều công ty môi giới và chủ đầu tư đã ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường, đây là tín hiệu tích cực.

TS Trần Du Lịch: Nên nuôi nợ để đòi nợ với doanh nghiệp khó khăn - 1

Thị trường bất động sản tại TPHCM gặp khó khăn trong gần 5 tháng qua (Ảnh: Đại Việt).

Theo ông Lâm, đến nay, các doanh nghiệp đã thích nghi và sẵn sàng tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi bắt đầu mở bán với những giao dịch khả quan. Khách hàng cũng đã đầu tư trở lại dù sự thận trọng còn cao.

"Các chủ đầu tư lớn, uy tín, có sản phẩm tốt nhận được nhiều niềm tin của khách hàng. Các đơn vị cũng đưa ra các chương trình thanh toán thuận lợi, hỗ trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư còn đưa ra chính sách cho người mua nhận nhà ở trước rồi tiếp tục thanh toán sau" - ông Lâm cho hay.

Bà Nguyễn Hương - đại diện Đại Phúc Land - chia sẻ, hiện tại, mọi người đã có thái độ ứng phó dịch bình tĩnh hơn trước. Người mắc Covid-19 có thể điều trị tại nhà, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, đây là tín hiệu tích cực khi mở cửa.

Doanh nghiệp bà đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân gặp nhiều khó khăn trong việc quay lại TPHCM. Công ty này xác định, dịch bệnh còn kéo dài, cần tìm giải pháp ứng phó linh hoạt, vượt qua thách thức.

Nuôi nợ để đòi nợ

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản rất khả quan bởi những yếu tố như kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và sẽ như bật như lò xò trong tương lai. 

"Quý IV/2021, GDP được dự báo tăng trưởng khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và tới năm 2022 khả năng tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,5-7%" - ông Lực nói.

TS Trần Du Lịch: Nên nuôi nợ để đòi nợ với doanh nghiệp khó khăn - 2

Các chuyên gia tin tưởng vào tương lai của thị trường bất động sản (Ảnh: Đ.V).

Theo chuyên gia này, thuận lợi tiếp theo của thị trường bất động sản là Nhà nước vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới.

Về môi trường pháp lý, năm 2022, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội sửa 4 luật gồm Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật xây dựng. Trong năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng 1 luật sửa nhiều luật.

Ông nhận định, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2022-2023 và có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5%-7% là tương đối khả quan.

Còn theo tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, gãy đổ vì họ bị "nợ chồng nợ", không còn đáp ứng được điều kiện vay, không còn "quota" để vay tiếp.

Ông Lịch cho rằng, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh và được vay vốn tiếp để trả nợ cũ thì nên tạo điều kiện cho họ thông qua một gói kích cầu hỗ trợ. Giải pháp này từng xuất hiện năm 2008-2009, hay còn gọi là chương trình "tay 3" gồm Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

"Nếu doanh nghiệp xây dựng được phương án vay, được thẩm định và cấp vốn thì có thể làm ra tiền để trả nợ cũ cũng như nợ mới. Chúng tôi gọi là nuôi nợ để đòi nợ" - ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, thời điểm đó, ngân hàng không sợ mất tiền nhưng sợ trách nhiệm nếu khoản vay không đúng quy định. Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý từng dự án cụ thể, linh hoạt gỡ khó, cứu nhiều doanh nghiệp. Nhiều công ty thay vì phá sản thì đã phục hồi phát triển, trả được nợ cũ, không vướng nợ quá hạn.

Chuyên gia này tin rằng, nếu dùng phương án "nuôi nợ để đòi nợ" sẽ cứu được rất nhiều doanh nghiệp, kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn. Kinh nghiệm từ giai đoạn trước cho thấy, những doanh nghiệp khó khăn thường sẽ lo làm ăn, trả nợ và không để nợ quá hạn.

Chính vì vậy, cần có cơ chế để ngân hàng thương mại không lo trách nhiệm cho vay nếu khoản vay vượt ngoài khuôn khổ quy định. Những giải pháp đã có trong quá khứ và thành công có thể áp dụng trong điều kiện hiện nay.

Đại Việt

Tin liên quan