Việc kìm hãm thị trường bất động sản nhà đất ở Trung Quốc khó khăn hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác (Ảnh: EPA-EFE) |
Theo số liệu của Knight Frank, giá nhà ở tại 56 thị trường phát triển và mới nổi đã tăng 7,3% trong quý I năm nay, mức tăng nhanh nhất kể từ quý IV/2006. Chỉ có 4 quốc gia chứng kiến giá nhà sụt giảm trong khi 13 quốc gia ghi nhận giá nhà tăng ở mức 2 con số.
Sự kết hợp giữa lãi suất cực thấp cùng với khoản tiết kiệm dồi dào trong thời gian giãn cách do đại dịch và sự thay đổi nhu cầu chỗ ở từ thành phố đông đúc sang ngoại ô đã khiến cho giá nhà khắp nơi lên “cơn sốt”.
Một số quốc gia đã hành động để hạ nhiệt thị trường. Ngân hàng trung ương New Zealand đã hạn chế quyền tiếp cận các khoản thế chấp và có kế hoạch tăng lãi suất bất chấp dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát. Tháng trước, Hàn Quốc cũng đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên ở châu Á tăng lãi suất cho vay để hạn chế sự gia tăng của nợ hộ gia đình, một nguyên nhân khiến giá nhà tăng vọt.
Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ đều can thiệp một cách miễn cưỡng, phần lớn do lo sợ các chính sách thắt chặt, đặc biệt là công cụ tăng lãi suất, sẽ gây nguy hiểm cho quá trình phục hồi kinh tế từ đại dịch.
Liam Bailey - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Knight Frank ở London - cho rằng, các ngân hàng trung ương kỳ vọng giá nhà tăng cũng như lạm phát gần đây chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên họ đang cân nhắc các lựa chọn.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách nước này đang “ghìm cương” mức tăng phi mã của giá nhà và sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh tay để hạ nhiệt thị trường bất động sản.
Sau nhiều năm “thả phanh” giá bất động sản, Bắc Kinh đã quyết liệt hơn trong vài tháng qua như một phần của chiến dịch tái tạo lại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bằng cách ưu tiên “thịnh vượng chung”.
Việc kìm hãm thị trường bất động sản nhà đất ở Trung Quốc khó khăn hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác.
Kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã áp đặt “3 lằn ranh đỏ” cho các công ty bất động sản lớn, trong đó giới hạn về quy mô các khoản nợ tương ứng với tài sản, vốn chủ sở hữu và tiền mặt. Các biện pháp thắt chặt này đã đẩy Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới - đến bờ vực vỡ nợ.
Để hạ nhiệt thị trường nhà đất, một số thành phố lớn ở Trung Quốc đã đình chỉ các đợt đấu giá đất - một nguồn thu khổng lồ của các chính quyền địa phương. Các ngân hàng quốc doanh của nước này cũng được lệnh giảm tỷ lệ cho vay bất động sản, trong khi đó các quỹ tư nhân cũng bị cấm huy động tiền để đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở.
Một dấu hiệu cho thấy quyết tâm ổn định giá nhà đất của Bắc Kinh và chấm dứt thói quen sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích tăng trưởng là khả năng tăng thuế bất động sản trên toàn quốc trong năm nay.
Tầm quan trọng của chiến lược kiềm chế thị trường bất động sản của Bắc Kinh - điều mà nước này đã không phá vỡ được vòng tròn luẩn quẩn giữa đầu cơ bất động sản và tăng trưởng tín dụng - và việc nước này sẵn sàng hy sinh một số tăng trưởng trong ngắn hạn để giảm sự phục thuộc của nền kinh tế vào bất động sản cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm thay đổi.
Kết quả là, giá nhà tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đại lục vào tháng 7 đã giảm tốc trong tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ thấp nhất trong 6 tháng. Doanh số bán nhà mới cũng bắt đầu chậm lại.
Nhật Linh
Theo SCMP