Rất nhiều nơi ở lưu vực Permian có ánh sáng phát ra vào ban đêm, trên mặt đất, giàn khoan và rơ moóc, khiến nơi này trong các bức ảnh vệ tinh của NASA như một dải đèn phát sáng cực kỳ thú vị. Nhưng chỉ có một nơi trong lưu vực Permian vẫn còn tăm tối.
Đó là một mảnh đất rộng lớn bao gồm hơn 250 dặm vuông, chứa rất nhiều dầu mỏ và khí gas, ước tính lên tới 7 tỷ USD. Trong thời đại mà mọi thứ trong lưu vực Permian dường như được rao bán hết, nhưng chỉ có trang trại Fasken là không. Các chủ sở hữu nơi này không quan tâm, họ thậm chí còn không muốn khoan dầu mỏ quá nhiều.
Một tư tưởng lạ lùng tại mỏ dầu này, người ta tò mò rằng tại sao họ lại không thích kiếm nhiều tiền. Kimberly Wurtz, một luật sư ở Norman, Oklahoma, người lớn lên gần trang trại vào những năm 1980 và 90, cho biết: “Từ khi tôi sinh ra, tôi chưa thấy ai có khả năng đàm phán thành công cuộc mua bán nào với họ”.
Trở lại năm 1913, luật sư Toronto David Fasken đã trả 1,5 đô USD cho một mẫu đất tại đây, theo kế hoạch là để chăn nuôi gia súc, nhưng do khu vực cằn cỗi quá ít nước nên không thể thực hiện được. Sau đó 16 năm, ông Fasken qua đời mà không hề biết gì về một “kho báu” dưới lòng đất.
Ngày nay, những người thừa kế của ông nằm trong số 100 gia đình sở hữu bất động sản nhiều nhất nước Mỹ. Họ nắm giữ ba trang trại ở Nam Texas, các bất động sản thương mại, các khu công nghiệp và dân cư nằm rải rác xung quanh bang Lone Star và California; và thậm chí cả một vườn nho ở Thung lũng Napa.
Những “con ông cháu cha” này là con cháu của những người khai hoang thế hệ trước, hưởng lợi từ các lô đất được thừa kế. Họ kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, bất động sản và luôn xoay quanh như vậy tạo ra từng lớp từng lớp của cải mới.
Một trong những danh mục bất động sản của Fasken là 165.000 mẫu Anh ở Permian, một lưu vực chứa rất nhiều dầu đá phiến ở phía Tây Texas và đông nam New Mexico, nơi sản xuất ra nhiều dầu thô hơn phần lớn các nước OPEC, ngoại trừ Ả Rập Xê Út và Iraq.
Các mỏ dầu dự kiến còn sản sinh ra nhiều dầu hơn nữa. Tuy vậy, tập đoàn Fasken, dường như vẫn bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng “không muốn bán đất của tổ tiên” ở Tây Texas, cai quản các trang trại và truyền lại cho thế hệ này sang thế hệ khác với suy nghĩ không bao giờ bán khoáng sản đi.
Theo ông Wurtz: “Họ là một trong những chủ sở hữu rất hiếm hoi không bao giờ tách biệt khoáng sản với quyền sở hữu đất của mình” (phần lớn các chủ sở hữu đất tại đây đều bán riêng khoáng sản và giữ nguyên quyền sử dụng đất của mình).
“Gia đình chúng tôi không bao giờ có bất kỳ ý định bán nào cả” - Ông Davis, người điều hành các hoạt động của Fasken cho hay.
Không những vậy, phương thức vận hành khai thác tại đây vẫn giữ nguyên phong cách xưa cũ. Thay vì vận chuyển nước ngọt cho quá trình khoan, công ty chủ yếu sử dụng nước tái chế hoặc nước không uống được. Gần đây, trong khi quá trình sản xuất tại lưu vực Permian bùng nổ, người người đều khoan các giếng ngang dài hàng dặm, còn nhà Fasken, thay vào đó vẫn gắn bó với các phương thức dùng nước truyền thống.
Phần lớn sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ trong thập kỷ qua đã được tài trợ từ những khoản vay; công ty nhà Fasken thì không. Hơn nữa, nhà Fasken chỉ khoan các mỏ từng chút một, như ông Davis giải thích, vì gia đình ông muốn quá trình chậm lại và bảo tồn các cơ sở khoáng sản.
Davis nói rằng ngày nay mọi thứ đều có thể được bán, chỉ là mức giá như nào. Ông không đoán trước được điều gì sẽ xảy đến với gia đình ông, thậm chí khi một số mẫu đất ở lưu vực Permian này có giá lên đến hơn 70.000 đô la.
Ông giải thích tình hình rằng: “Tôi luôn nói với công nhân mà tôi đã thuê rằng: ‘Tôi không thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không bao giờ bán, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ là người cuối cùng tại nơi này”
Thùy Dung
Theo Bloomberg