Lao đao vì "ôm" đất
Thị trường bất động sản khát vốn sau động thái kiểm soát tín dụng, quản lý chặt chẽ hoạt động huy động trái phiếu. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên tục giảm sút, kéo theo giá bất động sản giảm, đặc biệt là các phân khúc chưa đưa vào phục vụ nhu cầu thực ngay như đất nền…
Theo khảo sát của Dân trí, trên thị trường đất nền hiện tại, không ít nhà đầu tư đất nền chấp nhận giảm giá 20-30% nhưng vẫn khó tìm được người mua. Áp lực về dòng tiền cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận đi vay với mức lãi cao để cố gồng gánh, hy vọng sẽ sớm bán được hàng.
Trong thời gian 2 năm trước, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô đi mua đất nền diện tích lớn tại các vùng ven Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).
Anh Nguyễn Đức Chính, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội, cho biết, cuối năm 2021, anh có khoảng 20 tỷ đồng và mạnh tay vay thêm 10 tỷ đồng để mua 3 mảnh đất nền với tổng diện tích lên tới hàng chục ha ở vùng ven Hà Nội và Hòa Bình để làm khu nghỉ dưỡng, hoặc tách thửa phân lô.
Tuy nhiên, khi thị trường đột ngột mất thanh khoản, việc tách thửa phân lô cũng không thể triển khai khiến mọi tính toán đầu tư của anh bị đổ vỡ. Hiện tại, hàng tháng anh đang phải gánh trả lãi và gốc ngân hàng tới gần 200 triệu đồng, trong khi đó, các thửa đất của anh rao bán nhiều tháng qua không có người mua.
"Công việc chính của tôi là sản xuất bánh kẹo cũng đang thiếu vốn, trong khi, tiền đang phải để trong đất. Từ giờ tới Tết, tôi tính sẽ tiếp tục hạ giá bán các thửa đất để hy vọng sớm giảm gánh nặng và rút được tiền để tập trung vào nghề sản xuất đang theo", anh Chính nói.
Không ít nhà đầu tư đang bị "chôn" tiền vào đất khi thị trường đóng băng (Ảnh: Hà Phong).
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Huy, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội, cũng chia sẻ, đầu năm nay, anh "tất tay" mua mảnh đất nền ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) giá 7 tỷ đồng để đầu tư, với hy vọng sẽ kiếm được khoản lời. Nhưng cũng chỉ thời gian ngắn anh Huy xuống tiền, thị trường bất động sản đột ngột rơi vào trầm lắng, dẫn tới việc dù muốn bán đi cũng không tìm được người mua.
"Tôi đã rao bán mảnh đất nền trên từ tháng 5 đến giờ, nhưng không ai mua. Công việc hiện tại đang đòi hỏi vốn, nhưng không xoay xở cách nào. Bí bách quá, tôi cũng phải đi vay nóng bên ngoài, với lãi suất cao, để giải quyết việc trước mắt và chờ bán được đất", anh Huy chia sẻ.
Qua thời "đánh đâu thắng đó"
Có thể thấy, trong 2 năm vừa qua, thị trường bất động sản bất chấp dịch bệnh vẫn tăng nóng, nhà đầu tư địa ốc hầu như "đánh đâu thắng đó". Khi dòng tiền lớn đổ vào bất động sản, giá tăng, nhà đầu tư kiếm được tiền cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, hiện nay, dòng tiền dễ dãi không còn, giá bất động sản không còn tăng như trước, thị trường trầm lắng, thanh khoản thấp. Do đó, việc đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản không còn ở giai đoạn lướt sóng dễ dàng như 2 năm trước - thời kỳ mà chỉ cần đặt cọc, có suất mua là đã có lời. Câu chuyện đầu tư bây giờ đã khác, nhà đầu tư lướt sóng cần thận trọng, nhà đầu tư trung và dài hạn cần giảm thiểu việc phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nói chung hiện nay không dành cho nhóm nhà đầu tư lướt sóng, bởi lẽ các sản phẩm không có nhiều và rất rủi ro khi sắp tới có thể sẽ có những thay đổi về lãi suất, cũng như chiến lược của các doanh nghiệp.
"Giai đoạn này là cơ hội cho những người có nhu cầu thật về nhà ở và là cơ hội cho những người muốn chuyển tiền từ ngân hàng hoặc những kênh đầu tư khác mà không phải là thế mạnh của họ", ông Khương nhận định.
Còn theo đánh giá của giới đầu tư chuyên nghiệp, thị trường bất động sản hiện nay không còn nhiều vùng "hoang sơ" để nhà đầu tư xuống tiền, ung dung chờ 2-3 năm để kiếm lời 2-3 lần như giai đoạn trước đây. Bởi hiện tại, giá đất ở từ nông thôn tới thành thị đã tăng cao, vượt xa nhu cầu thực của người dân.
Hà Phong