Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.) |
Bất chấp cái nắng nóng hơn 40 độ C các cư dân Hoà Bình Green City vẫn kiên trì đứng căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ
Theo thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, số lượng hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai hiện rất lớn, ngoài nguyên nhân chủ quan từ cán bộ, nhân viên chậm trễ, tắc trách thì các quy định hiện nay về cấp giấy chứng nhận vẫn còn khá rối rắm.
Chờ… hướng dẫn
Ông Dư Huy Quang - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP dẫn chứng, riêng khâu cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận được ủy quyền cho 24 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ký nhưng vẫn phải chuyển lên Sở đóng dấu khiến quy trình cấp giấy bị chậm trễ.
Việc trễ hạn và tồn đọng nhiều hồ sơ chưa được cấp còn do tình trạng pháp lý về sử dụng đất đai có yếu tố lịch sử rất phức tạp nên khi giải quyết cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhưng việc phối hợp này chưa hiệu quả.
Đơn cử chỉ riêng H.Bình Chánh đang vướng 1.000 hồ sơ; một số huyện vùng ven cũng vướng do các chủ đất nông nghiệp tự phân nhỏ miếng đất rồi bán giấy tay qua các thời kỳ, những người nhận lại có trường hợp xây dựng trái phép trên đó, có trường hợp san lấp không còn sử dụng đất nông nghiệp nên cũng tồn đọng chưa thể cấp giấy chứng nhận...
Tại Hà Nội đang có tới hàng chục nghìn trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, chủ yếu tập trung ở địa bàn quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, các trường hợp chưa cấp sổ đỏ chủ yếu rơi vào các đối tượng dự án thanh tra kéo dài nhiều năm không thực hiện được. Hay đất nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức thực hiện. Cấp quyết định thu hồi là cấp Chính phủ vì vậy TP Hà Nội không thể hủy bỏ các quyết định này.
Đối với trường hợp đất đai mua bán, sử dụng từ nhiều năm trước, chưa có sổ đỏ, không có hợp đồng công chứng, quy định hiện hành chấp nhận một số loại giấy tờ làm căn cứ xác định nhưng vẫn có nhiều loại giấy tờ, địa phương không rõ có được chấp nhận hay không, ví dụ như bản đồ sổ mục kê từ năm 1980. “Đáng nói hơn, do vướng mắc, các sở, ban, ngành ở địa phương không dám hướng dẫn quận, huyện thực hiện nếu như không có ý kiến chỉ đạo cấp trên. Do đó, rất nhiều trường hợp dân muốn cấp sổ đỏ, nhưng cán bộ còn phải chờ hướng dẫn” – ông Nghĩa cho biết.
Chưa kể, tại nhiều chung cư chủ đầu tư xin cấp sổ đỏ cho cả dự án nhưng lại mang thế chấp ngân hàng để vay thêm vốn, dẫn đến ách tắc trong quá trình làm hồ sơ xin cấp sổ hồng cho các chủ căn hộ.
Tăng cường hoạt động giám sát
Kết quả khảo sát chỉ số PAPI 2015 cho thấy dịch vụ cấp sổ đỏ đạt điểm thấp nhất trong các dịch vụ hành chính PAPI đo lường, tỷ lệ người dân phản ánh phải “bôi trơn” khi làm thủ tục sổ đỏ chiếm 44%.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay còn rất lê thê. Nguyên nhân bởi cơ quan Tài Nguyên môi trường còn đang ôm cả phần thủ tục của cơ quan thuế vào phần của mình – trong khi việc nộp thuế là nghĩa vụ tài chính thì thuộc về trách nhiệm của người dân.
Mặc dù chế tài xử phạt đã có như Chính phủ quy định mức phạt đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở. Nghị định này quy định đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt 10 triệu đồng – 1 tỉ đồng.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quy định là như vậy nhưng việc thực hiện được không phải dễ. “Từ trước đến nay cũng không thiếu quy định để xử lý việc này nhưng không làm được”, ông Liêm nói và khiến nghị, muốn đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ cho dân, cần cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính trong lĩnh vực đất đai các cấp theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và đặc biệt là phải tăng cường hoạt động giám sát.
Để đẩy nhanh thời gian cấp sổ đỏ, ông Đào Trung Chính đề nghị trong thời gian tới cần rà soát lại vai trò trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn.
Về phía các dự án nhà ở tại chung cư, ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất cơ quan quản lý cần sớm thành lập một tổ liên ngành để xử lý các tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận lâu nay gồm các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài chính và Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM.
Về lâu dài, ông Hùng đề nghị cơ quan nhà nước giám sát chặt hơn các vi phạm của chủ đầu tư; kiểm tra chặt hơn đảm bảo 100% công trình xây dựng tại thành phố phải được kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời nêu tên các chủ đầu tư vi phạm trên website của các cơ quan chức năng liên quan.
Thiên Bình
Theo Enternews