Bất động sản Quảng Ninh thu hút nhiều "đại gia" địa ốc rót vốn đầu tư.
UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) vừa có văn bản kết luận ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP này tại cuộc họp nghe phương án quy hoạch dự án khu đô thị mới phường Quang Trung của Công ty hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID).
Công ty hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) là công ty con của Công ty CP Cơ Điện Lạnh (mã CK: REE), tỷ lệ sở hữu 50,61%. Vốn điều lệ của VIID là 410 tỷ đồng.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Uông Bí đã đề nghị VIID tiếp tục hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đồ án quy hoạch như: rà soát hiện trạng đất, trong đó xác định rõ tỷ lệ, diện tích từng loại đất; đảm bảo giao thông kết nối khu vực xung quanh với cac dự án liên kề; cập nhật dự án khu đô thị Sông Uông; bổ sung đường giao thông tại khu vực phía Bắc để tách biệt với khu cư dân hiện tại.
UBND TP Uông Bí cũng yêu cầu không nên quy hoạch nhà ở xã hội kiểu cao tầng, điều chỉnh tên một số hạng mục như khách sạn 5 sao thành đất dịch vụ thương mại, chợ thành trung tâm thương mại...
Sau khi hoàn thành đồ án quy hoạch, có phương án nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án, lãnh đạo TP. Uông Bí yêu cầu.
Trước đó, hồi tháng 4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới trung tâm phía Nam TP Uông Bí (Phân khu I) tại các phường Yên Thanh và Quang Trung.
Theo đó, khu vực nghiên cứu quy hoạch Khu đô thị mới trung tâm phía Nam TP. Uông Bí có phía Đông giáp kênh làm mát Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí; Phía Tây giáp sông Sến; Phía Nam giáp đường tránh phía Nam TP. Uông Bí; Phía Bắc giáp Quốc lộ 18A.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch rộng gần 800 ha. Dân số hiện trạng trong ranh giới quy hoạch khoảng 10.000 người. Dự báo dân số khu quy hoạch đến năm 2030 khoảng 53.000 người.
Để triển khai quy hoạch trên, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND TP. Uông Bí phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch, cắm mốc... quản lý giám sát việc xây dựng công trình theo quy hoạch được duyệt; đình chỉ xây dựng, xử phạt hành chính, cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, xây dựng sai phép, xây dựng không tuân theo quy hoạch được duyệt theo quy định.
Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực nghiên cứu quy hoạch chi tiết và đầu tư các dự án thành phần và các công trình tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.
Vừa qua, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản “rót” vốn vào Quảng Ninh. Mới đây nhất, TMS Group cũng đã lên ý tưởng đầu tư loạt dự án ở Quảng Ninh.
Cụ thể, tại buổi họp với UBND tỉnh Quảng Ninh chiều 9/9, đại diện TMS Group đã trình bày ý tưởng đầu tư, khai thác một số dự án trên địa bàn tỉnh, gồm: Thành phố ánh sáng (TP Cẩm Phả), khai thác cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh (TP Hạ Long), khu du lịch Công viên lịch sử phật giáo Lựng Xanh (TP Uông Bí), khu du lịch Bạch Đằng (TX Quảng Yên).
Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị TMS Group trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ngành, tiếp tục hoàn thiện nội dung các dự án.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS trước đây là Công ty Cổ phần Quốc tế Thái Minh. Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình tập đoàn đa ngành, gồm: Du lịch, bán lẻ, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ bản và bất động sản. TMS hiện có các công ty thành viên: TMS edu, TMS Travel, TMS Homes và TMS Food.
Năm 2017, TMS Group chính thức “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trong hai dự án được đầu tư ở Vĩnh Phúc, TMS mới “đủ sức” triển khai dự án TMS City Phúc Yên với diện tích quy mô 18,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Còn lại “siêu dự án” TMS Đầm Cói, trị giá 5.000 tỷ đồng thì vẫn bỏ hoang từ ngày được phê duyệt dự án đến nay.
Nguyễn Mạnh