Chiều 19/9, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa XV về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố là để đưa nguồn lực từ các dự án này vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo nghị quyết có các nhóm chính sách xử lý về thời hạn sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh có thời hạn 50 năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Mỗi nhóm chính sách sẽ đưa ra phương án, giải pháp xử lý đối với dự án, nhóm dự án cụ thể.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Long An… cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo; đề nghị Bộ TN&MT tiếp thu, rà soát về phạm vi điều chỉnh, thuật ngữ, kỹ thuật soạn thảo bảo đảm chặt chẽ, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Kết luận cuộc họp, các Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để xử lý các dự án, đất đai tại một số tỉnh, thành phố. Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu, rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
Các Phó Thủ tướng cho rằng đây là bước đi đầu tiên thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền các dự án, đất đai có tình trạng tương tự để đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo.