Fica
  1. Bất động sản

Thanh khoản phân khúc căn hộ sụt mạnh vì đâu?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo chuyên gia, thanh khoản thị trường căn hộ sụt giảm mạnh vào nửa cuối tháng 5 do ảnh hưởng những thông tin tiêu cực về dịch bệnh, gây sức ép lên quyết định chọn mua bất động sản.

Thanh khoản phân khúc căn hộ sụt mạnh vì đâu? - 1

Theo DKRA, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh vào nửa cuối tháng do ảnh hưởng những thông tin tiêu cực về khả năng dịch bệnh tái bùng phát tại TPHCM.

Chịu tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc kinh doanh khó khăn, chị Hồng Thắm (Hà Nội) quyết định dừng việc tìm mua căn hộ, tiếp tục tích lũy, nghe ngóng thị trường.

Đắn đo, cân nhắc có nên mua nhà trong thời điểm dịch bệnh là tâm lý của không ít người hiện nay khi họ nhận thấy thu nhập hiện tại hay trong tương lai gần không đảm bảo để có thể chi trả nếu phải đi vay.

Anh Thủy, một môi giới bất động sản phân khúc căn hộ, than thở, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều khách hàng ngừng tìm kiếm, giao dịch. Gần một tháng qua, anh vẫn chưa "chốt" được căn nào. Anh Thủy hy vọng sự trầm lắng của thị trường chỉ diễn ra một thời gian ngắn và sớm quay trở lại sôi động khi dịch được kiểm soát.

Nhận định về xu hướng thị trường trong các tháng tới, giới chuyên gia cho rằng, các hoạt động giao dịch bất động sản có thể sẽ kém sôi động hơn do nhiều dự án lo ngại việc "bung hàng" ở thời điểm này sẽ kém suôn sẻ.

Trong báo cáo vừa được công bố, DKRA cũng cho biết trong tháng 5, phân khúc căn hộ TPHCM và các tỉnh giáp ranh sụt giảm, chỉ ghi nhận 2 dự án mở bán (một dự án mới và một giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường khoảng 374 căn, bằng 10% nguồn cung tháng 4.

Đáng lưu ý, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 31% (115 căn) trên nguồn cung mới, bằng 4% lượng tiêu thụ tháng trước (2.936 căn).

Theo đại diện đơn vị này, nguồn cung mới tập trung ở đầu tháng 5 khi mà dịch bệnh chưa bùng phát đỉnh điểm và các biện pháp giãn cách xã hội còn ở mức nhẹ. Thêm nữa, tình hình bán hàng ở các dự án có dấu hiệu chững lại trên toàn thị trường các tỉnh giáp ranh.

Sự ảm đạm của thị trường được chuyên gia của đơn vị này chỉ ra rằng, hầu hết dự án mới có mức giá cao so với mặt bằng giá tại các dự án căn hộ hiện hữu lân cận. Tỷ lệ người mua với nhu cầu ở thực thấp, chủ yếu là đối tượng khách mua với mục đích đầu tư. Thị trường đã qua "sóng" sau thời gian tương đối sôi động (Bình Dương, Đồng Nai).

Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng, gây tâm lý quan ngại đối với người mua cũng như làm trì hoãn kế hoạch "ra hàng" của các chủ đầu tư.

Riêng tại TPHCM, giao dịch thứ cấp trên thị trường tương đối trầm lắng, tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý, đang trong giai đoạn bàn giao… với mức giá hầu như không thay đổi so với thời điểm tháng 4. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh vào nửa cuối tháng do ảnh hưởng những thông tin tiêu cực về khả năng dịch bệnh tái bùng phát tại TPHCM, gây sức ép lên tâm lý khách hàng trong quyết định chọn mua bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - từ tháng 3/2020 trở lại đây, mức độ khó khăn của thị trường bất động sản càng trầm trọng thêm do tác động của đại dịch Covid-19.

Thêm nữa, thị trường vẫn phát triển thiếu bền vững, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư. Đặc biệt, tình trạng lệch pha cung - cầu thể hiện rõ nét trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn thành phố càng khiến việc tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân còn khó khăn.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan