(Ảnh minh hoạ).
Cách đây từ khoảng 2 năm, shophouse tạo nên cơn sốt trên thị trường bất động sản khi được nhiều nhà đầu tư tại các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM và một số địa phương phát triển du lịch săn lùng.
Tuy nhiên, với mức giá dao động 10-20 tỷ đồng, thậm chí lên tới 30-40 tỷ đồng, shophouse không phải là món đầu tư "dễ ăn" với mọi nhà đầu tư.
Chị Nguyễn Minh là một nhà đầu tư tại Hà Nội từng bỏ ra 10 tỷ đồng để đầu tư 1 căn shophouse tại Hà Đông (Hà Nội). Tuy nhiên, sau 2 năm bàn giao, cư dân vẫn rất thưa thớt, việc thuận lợi cho kinh doanh nên giá cho thuê chỉ được chưa tới 30 triệu đồng. Trong khi đó, rao bán cũng khó tìm người mua.
Tại nhiều dự án shophouse tại khu vực trung tâm hơn nhưng tình trạng cũng không mấy khả quan nếu nhà đầu tư chỉ mua shophouse để cho thuê.
"Bỏ ra gần 30-40 tỷ đồng nhưng tiền cho thuê mỗi tháng giỏi lắm cũng không được quá 100 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tiền lãi gửi ngân hàng", một nhà đầu tư khác cho biết.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, shophouse chỉ thực sự tiềm năng khi nằm ở khu vực đông dân cư và chỉ bắt đầu sinh lời khi cư dân về ở, dự án được bao quanh bởi các khu văn phòng, khu công nghiệp, nhà hàng và các hoạt động dịch vụ đã được triển khai, thu hút được dân sinh và tạo ra được dòng tiền.
"Ngược lại, tại các dự án nằm ở khu vực còn thưa thớt dân cư, chưa có các dịch vụ, tiện ích hay thường xuyên tổ chức sự kiện hoạt động thu hút khách thăm thì không có tiềm năng kinh doanh và không thể tăng giá", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, điểm mà các nhà đầu tư cần lưu ý đối với thị trường shophouse lúc này là nguồn cung không phải là khan hiếm, giờ cũng không còn là thời điểm mua tranh bán cướp như trước đây.
"Vì vậy nhà đầu tư cần cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng. Hiện tại các đô thị như Hà Nội và TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu vực có tốc độ đô thị hóa đặc biệt tốt sẽ là khu vực tiềm năng để đầu tư shophouse", ông Hiển nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, shophouse tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM có chi phí không nhỏ, vì vậy không nên đầu tư nếu nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính mạnh và phải sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Cũng không nên đầu tư vào shophouse nếu nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư ngắn hạn từ 1-2 năm.
"Chỉ nên đầu tư vào shophouse nếu có kế hoạch đầu tư trung tới dài hạn từ 3-5 năm trở lên. Với khoảng thời gian này shophouse mới thực sự sinh lời từ tăng giá và hoạt động kinh doanh", ông nói thêm.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn giá shophouse trung bình ở Hà Nội nằm trong khoảng 10-20 tỷ đồng/ căn ở những khu vực vị trí tốt như quận Nam Từ Liêm, ở những khu vực phía Đông thành phố thì shophouse có giảm khoảng 40-50% so với khu Tây.
Đối với TPHCM, mặt bằng giá trải rộng hơn, với mức giá trung bình tăng hơn khoảng 30% so với Hà Nội.
"Theo tôi, shophouse cũng như mọi loại hình bất động sản khác, cũng cần có sự khôn ngoan khi đầu tư. Shophouse sẽ trở nên rất được giá khi dự án hoàn thiện, dân cư đến ở đông, chủ đầu tư uy tín… Tất nhiên, đến lúc đó mà chúng ta nhảy vào mua shophouse thì giá sẽ lại rất cao", ông Quốc Anh nói.
Vì vậy, ông cho rằng, khi đầu tư vào loại hình shophouse là, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ pháp lý dự án, bao gồm: Quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phê duyệt thiết kế cơ sở, quy hoạch tổng mặt bằng, đi kèm đơn giá đất, hóa đơn nộp tiền sử dụng đất; Chứng nhận đăng ký hợp đồng mẫu đối với dự án chung cư; Nếu thông qua sàn, phải có hợp đồng của chủ đầu tư với sàn giao dịch.
"Ngoài ra, còn đặc biệt phải lưu ý tới vị trí dự án, chủ đầu tư uy tín, triển vọng dự án, dự án sẽ bàn giao khi nào. Nhà đầu tư nên lưu ý, shophouse chỉ có khả năng cho thuê khi dự án đã đi bàn giao và đã có dân cư vào ở. Thời điểm mua cũng là một yếu tố cần được cân nhắc khi so sánh với khả năng tài chính", vị chuyên gia nói thêm.
Phương Dung