Fica
  1. Bất động sản

Tâm thư đẫm nước mắt của cô gái lần đầu xuống Hà Nội làm môi giới nhà đất

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhiều người nghĩ rằng, môi giới bất động sản là nghề "buôn nước bọt", dễ dàng kiếm tiền bằng lời nói. Song, qua góc nhìn của cô gái trẻ lần đầu xuống Hà Nội, nó không màu hồng như ta vẫn nghĩ.

Tốt nghiệp đại học ngành môi trường tại Thái Nguyên, nhưng Hoàng Kim Phượng lại quyết định xuống Hà Nội lập nghiệp với nghề bất động sản. Bởi lúc đó, cô gái trẻ mới ra trường nghĩ rằng, bất động sản là nghề rất oai và đặc biệt kiếm được nhiều tiền.

Cả gia đình đều phản đối vì lo sợ con gái đi làm xa nhà vất vả, nên khi xuống Hà Nội, Phượng không được gia đình hỗ trợ. Lần đầu xuống Hà Nội đi làm, Phượng không biết đường xá, các mối quan hệ xã hội rất ít. Suốt tháng đầu đi làm không có nổi một giao dịch, thiếu tiền chi tiêu, cô đã phải vay mượn khắp nơi, thậm chí vay nặng lãi để có tiền sinh hoạt.

"Để kiếm khách hàng, tôi đã phải đi phát tờ rơi, gọi điện, nhắn tin... cho rất nhiều khách. Tôi lên mạng tìm kiếm thông tin khách hàng để gọi điện mỗi ngày cả trăm cuộc. May mắn lắm mới có 5-7 người quan tâm thông tin dự án, chỉ cần 1-2 người đồng ý gặp để tư vấn, tôi cũng thấy hạnh phúc", Phượng nói và cho hay, khách thường xuyên từ chối, đôi khi còn bị chửi, nhưng nhân viên bán hàng phải cam chịu.

Tâm thư đẫm nước mắt của cô gái lần đầu xuống Hà Nội làm môi giới nhà đất  - 1

Môi giới bất động sản đang là nghề được nhiều người trẻ lựa chọn.

Có khách đã khó, chăm sóc họ đến khi đóng cọc cũng rất khổ cực. Bởi theo Phượng, khách hẹn ở đâu cũng phải tới dù cách xa hàng chục cây số. Còn khách bỗng dưng báo bận, tư vấn viên đành lủi thủi đi về.

Hơn nữa, người làm bất động sản cũng dễ bị đồng nghiệp "hớt tay trên". "Chăm sóc khách suốt một tháng, gần ngày đóng tiền cọc, đồng nghiệp "cắt máu" tặng khách 10 triệu đồng. Tôi lập tức bị gọi điện hủy hợp đồng, mất công cả tháng dài", Phượng nói.

Làm tư vấn bất động sản cũng được cô ví như làm dâu trăm họ. Khách bực tức, cáu gắt vì bị làm phiền, nhân viên tư vấn phải im lặng nghe, sau đó nhỏ nhẹ xin lỗi để tìm cách hàn gắn, tránh mất khách hàng.

Chia sẻ với tôi, cô gái trẻ mang nhiều mơ ước với nghề bất động sản đã không ít lần thấy chạnh lòng khi bạn bè đồng trang lứa tươm tất, sáng sủa khi đi làm. Bản thân cô thường xuyên phải phơi mình dưới cái nắng gay gắt cả ngày, chỉ để phát tờ rơi cho khách.

Để tồn tại và bám trụ được với nghề, Phượng đã phải xóa đi khái niệm về thời gian. Cô đi sớm về khuya, không nghĩ tới chuyện cá nhân. Thậm chí, cô bỏ lại những nhu cầu thiết yếu của con gái như mua sắm, làm đẹp và thời gian cho người yêu.

"So với nam giới, môi giới bất động sản nữ nếu có ngoại hình xinh xắn, duyên dáng, giọng nói dễ nghe là một lợi thế rất lớn. Song, nhân viên nữ nếu không tỉnh táo sẽ dễ vướng vào những chuyện không hay. Đôi khi, khách đến chỉ để xem môi giới chứ không phải xem nhà", Phượng nói.

Không ít khách hàng mượn cớ mua nhà để tán tỉnh các nhân viên môi giới bất động sản nữ. Không những vậy, cô còn gặp trường hợp, hợp đồng sắp được ký thì bị "lật kèo". Nguyên nhân là vợ khách bỗng lên cơn ghen, do nghi ngờ nhân viên có "âm mưu" với chồng.

Vất vả khổ cực đủ đường, tới khi có được giao dịch đầu tiên, Phượng cũng chẳng được nhận hoa hồng. Sau 3 tháng, công ty tạm ứng cho Phượng vài triệu, nhưng số tiền này không đủ để cô trả nợ "đam mê" với nghề.

Vất vả không ai thấy, nhưng người ngoài luôn nhìn nghề của Phượng với ánh mắt dè bỉu và cho rằng, đây là nghề đi chỉ trò, ba hoa bốc phét cho hay là có tiền đút túi.

Tâm thư đẫm nước mắt của cô gái lần đầu xuống Hà Nội làm môi giới nhà đất  - 2

Môi giới bất động sản cũng nhiều khó khăn và cạm bẫy, nhất là với nữ giới.

"Môi giới bất động sản là nghề cả ngày phơi nắng, phơi sương ngoài đường. Dù không phải "bán mặt cho đắt, bán lưng cho trời" nhưng tôi cũng đã đi mòn cả lốp xe, "đánh bóng" biết bao mặt đường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày lễ cũng chẳng khác gì ngày làm việc. Khách gọi thì dù đang ăn cơm hay đang đi chơi với người yêu cũng phải bỏ lại mà tới", Phượng chia sẻ.

Tuy nhiên, sau vài năm làm nghề, cô đã tích lũy được không ít kinh nghiệm. Từ một người nóng tính, thiếu kiên nhẫn, hấp tấp, Phượng đã thay đổi và có con mắt nhìn nhận mọi việc tốt hơn. Cô cũng mong mọi người hiểu và thông cảm cho nỗi vất vả của nghề bất động sản và nhìn nhận công việc này cũng vất vả như bao công việc khác.

"Nó cũng không ưu ái cho nam hay nữ, để thành công bắt buộc phải đánh đổi. Nữ có thiệt thòi hơn, nhưng cũng có những ưu điểm riêng của mình, quan trọng nhất là phải yêu nghề, kiên trì và bản lĩnh", Phượng cho hay.

Thế Hưng

Tin liên quan