Trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản cả nước đã chứng kiến hàng loạt các "cơn sốt đất", nhưng đa phần là "sốt ảo". Đơn cử như tại Hà Nội, năm 2019 có "sốt" đất ở Đông Anh, năm 2010 "sốt" đất ở Ba Vì, đặc biệt trong 2 năm gần đây, Hòa Lạc, Thạch Thất là các địa phương liên tục "nổ" ra các "cơn sốt đất".
Miền Trung, Đà Nẵng - Quảng Nam cũng có một thời gian dài bị "sốt" đất nhấn chìm. Trong khi đó, tại khu vực các tỉnh miền Nam, năm ngoái có "sốt" đất ở Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu), năm 2019 có "sốt" đất ven biển Bình Thuận;...
Hàng đoàn xe ô tô của các nhà đầu tư đổ dồn về An Khương nghe ngóng cơ hội đầu tư. Ảnh chụp màn hình.
Mới đây nhất, khu vực xung quanh sân bay Técníc, nằm ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, một lần nữa "sốt" đất lại xuất hiện.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, chỉ trong 2 ngày, giá đất nông nghiệp tại nhiều xã, nhất là xã An Khương, huyện Hớn Quản đã tăng cả chục lần. Cụ thể, 1.000 m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng, sau vài ngày cơn "sốt" đất càn quét, giá đất tăng lên lên 240 - 300 triệu đồng/ 1.000 m2 đất nông nghiệp.
Sau khi xuất hiện hàng đoàn "cò" đất tới đây giao dịch "ảo", UBND huyện Hớn Quản đã khẳng định "sốt" đất chỉ là hành vi lừa đảo, thổi giá của một số cò đất. UBND huyện cũng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước những hành vi lừa đảo này.
Thông qua hàng loạt các "cơn sốt" đất diễn ra trong thời gian qua, trả lời PV Báo Dân trí, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận xét, có 2 lưu ý cần phải nhắc tới.
Thứ nhất, giới đầu tư trong nước rất ưa chuộng rót vốn vào phân khúc phân lô, bán nền. Kể cả có "sốt" hay không, "sốt" ảo hay "sốt" thật, cũng đều thu hút một lượng lớn nhà đầu tư phong trào tham gia.
Thứ hai, hầu hết, các "cơn sốt" đất có tốc độ tăng giá phi mã, tăng 300 - 400% chỉ trong vài ngày, chắc chắn đấy là "sốt" ảo. Đây chính là chiêu trò của các văn phòng nhà đất đẩy giá, thổi giá tạo sóng.
Theo ông Điệp, do quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giới đầu tư buộc phải đi tìm cơ hội khác ở các vùng ven. Dưới tác động của đô thị hóa, cùng nhu cầu đầu tư lâu dài đã khiến giá đất vùng ven, ngoại ô bật tăng.
Hàng xe nối dài của các nhà đầu tư đi xem đất nền tại Bình Dương
Theo ông Diệp, trong 1 năm nếu mức tăng dao động trên 10%, hoặc nhỉnh hơn đôi chút, thị trường sẽ bền vững. Còn nếu tăng "nóng" do các chiêu trò "thổi giá" thì giá đất sẽ mất giá rất nhanh.
Ông Nguyễn Thế Điệp nhấn mạnh, giới đầu nậu, cò đất ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến người bình thường khó phát hiện ra được. Ví dụ, có "cò" giả làm nhà đầu tư thật, nhưng thực chất chỉ là "cò mồi" giả danh để tìm nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Cũng có trường hợp, cò đất tung ra các bản vẽ quy hoạch, giấy tờ giao dịch giả để lừa người mua.
Dù vậy, ông Điệp cũng thừa nhận, giới đầu tư trong nước hiện nay không dễ dàng bị dẫn dắt như 10 năm trước.
"Các nhà đầu tư đất hiện nay đã khôn ngoan hơn trước rất nhiều. Thay vì đầu tư theo phong trào, họ đã có kinh nghiệm đối phó với chiêu trò của cò đất. Ví dụ như họ tự kiểm tra pháp lý đất hoặc tự mình biết có nên đầu tư hay không?", ông Điệp nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng: Về câu chuyện sốt đất của Bình Phước cũng như một số vùng ven đô ở Hà Nội thực chất là tăng ảo, không đúng với thực tế.
Hiện nay mặt bằng chung khi thực hiện quy hoạch thì các khu đất phải có hạ tầng tốt mới có khả năng giữ được giá trị lâu dài. Ngược lại, một số khu vực không có hạ tầng, giá rất khó tăng cao, thậm chí còn bị giảm xuống chỉ trong thời gian ngắn.
Quay trở lại "cơn sốt" ở Bình Phước, ông Thanh đánh giá, vừa có thông tin xây dựng sân bay, giá đất đã tăng là điều vô lý. Bởi sân bay chỉ đưa khách đến, còn những người dân ở đó không được hưởng lợi gì.
Phó Chủ tịch VARs quả quyết: Đây là tâm lý của những người không phải nhà môi giới chuyên nghiệp, chỉ là cò đất. Những cò đất này sẽ thổi các thông tin ra để làm sao dễ bán đất, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn.
"Các cò đất tự giao dịch với nhau và chuyện đó là chuyện bình thường, ông nọ bán cho ông kia, giống như đa cấp", ông Thanh nói.
Ông Thanh đặc biệt nhấn mạnh, nếu giá đất tăng bất thường, nhà đầu tư đừng dại mà rót vốn.
"Chỉ có vài thông tin về quy hoạch mà đất lên giá là không bình thường, thậm chí là có rủi ro, nên các nhà đầu tư khi đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ", ông Thanh chia sẻ.
Việt Vũ