Tại tọa đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" vừa diễn ra do báo Người Lao Động tổ chức, ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG - cho biết ông đã theo dõi rất nhiều cơn sốt đất xảy ra thời gian qua và đặt câu hỏi những ai đứng phía sau và thổi giá bất động sản ở những nơi đó?
Bởi theo ông Khang, chỉ một số đối tượng hưởng lợi trong những cơn sốt này, còn lại phần lớn nhà đầu tư, có cả môi giới đều chịu thiệt.
Ông Khang cũng cho rằng người có tiền nhàn rỗi, để dành trong vài năm mua đất nơi sốt giá là rất ít. Còn lại, phần lớn những người đầy cơ, họ sẵn sàng rút sổ tiết kiệm, thậm chí vay ngân hàng để mua nhưng sau đó không bán được dẫn tới nợ nần chồng chất…
Đất ven sông Hồng sốt hầm hập thời gian qua. Ảnh: Tiến Tuấn.
Trong khi đó, Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, để hạn chế sốt đất trong tương lai rất cần tiếp tục minh bạch, công khai các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư lớn đã được phê duyệt.
Hiện nay theo quy định trong Luật đất đai và Luật tiếp cận thông tin, các cơ quan nhà nước đang nắm giữ thông tin quy hoạch được phê duyệt có trách nhiệm cung cấp cho người dân và người dân được quyền tiếp cận các thông tin này.
"Công tác minh bạch đã và đang được cải thiện (công khai trên website và các ứng dụng thông tin quy hoạch) nhưng trên thực tế vẫn đang còn nhiều bất cập", ông Cường nói.
Đáng chú ý theo vị luật sư này, cần xem xét hình sự hóa hành vi "thổi giá" gây sốt đất ảo thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bởi đây là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này, dù hiện đã có quy định về tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015.
Trả lời câu hỏi về vai trò của quy hoạch tác động đến giá đất thế nào, mới đây kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho biết: "Tôi vẽ biểu đồ về cơn sốt đất thì nó ngày càng dữ dội và công khai, công khai tới độ hỗn loạn. Trước đây, chúng ta không công khai quy hoạch hoặc công khai không hoàn toàn, thì làn sóng giao dịch mua bán đất không như vậy".
Theo chuyên gia này, bắt đầu hai vấn đề, người ta không hiểu quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu. Đến lúc đó người ta mới mời nhà đầu tư vào. Cho nên câu chuyện quy hoạch cần có Luật Quy hoạch. Nhưng tuyên truyền cho người dân để họ hiểu thì còn lơ mơ và còn nhiều vấn đề bất cập.
Ví dụ như việc quy hoạch sân bay thì nhiều cái chỉ là dự kiến hoặc mới nằm trên bàn thảo… Khi quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì bắt đầu có sự hỗn loạn. Nhà đầu tư lừa đảo đang xuất hiện. Thậm chí căng biển, rao bán ngay cả không phải trên đất của mình.
"Hà Nội bắt đầu công bố 6 quy hoạch phân khu và quy hoạch sông Hồng thì nên phải lập quy hoạch phân khu ngay. Nhưng nếu chúng ta bẵng đi 10 năm, điều này thực sự nguy hiểm. Sự điểu chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư "thò tay" can thiệp vào quy hoạch của nhà nước" - ông Tùng nêu vấn đề.
Đề cập đến giải pháp chặn sốt đất, ông Tùng cho biết, quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp. Lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Lúc này, hội đồng quy hoạch phê duyệt ban đầu biến mất và chỉ còn lại hệ thống chính quyền. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn.
"Để ngăn chặn sốt đất trước hết cần công khai quy hoạch, phải họp báo nghiêm túc để công khai thông tin. Định hướng thông tin rất quan trọng" - ông Tùng nêu.
Nguyễn Mạnh