5 huyện lên quận: Giá đất rao bán tăng chóng mặt
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Thông tin này được đánh giá sẽ tác động phần nào tới thị trường bất động sản tại các địa phương này.
Huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đổi mới và tạo bước phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây giá bất động sản tại các quận này liên tục có biến động lớn. "Đỉnh điểm" là thời điểm 2017 – 2018, cò đất đẩy giá bất động sản tại các địa phương này lên nhanh một cách chóng mặt, có những nơi giá rao bán đất cao gấp từ 2 – 3 lần so với thời điểm vài năm trước đó.
Thời điểm hiện tại, dù thị trường có phần giảm sốt nhưng giá đất vẫn ở mức chênh lệch rất lớn. Đơn cử như ở thị trấn Đông Anh, giá đất thổ cư theo lời môi giới có thể lên tới 100-120 triệu đồng/m2, gấp cả chục lần so với trước đó. Các thôn khác giá cũng đẩy lên tới 30-40 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại Hoài Đức, mức giá cũng được đẩy lên tới 120-130 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch thực được ghi nhận không nhiều.
Hay như tại Gia Lâm, giá nhiều khu vực dao động ở 40-50 triệu đồng/m2, tăng từ 1,5-2 lần so với cuối năm ngoái. Tại huyện Đan Phượng, mức tăng ít hơn các huyện khác, hiện được rao bán với mức giá cao nhất 60-70 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 10-20 triệu đồng/m2.
Giá đất của huyện Đan Phượng tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.
So với các huyện thị khác, Thanh Trì có mức giá đất trung bình cao nhất hiện nay. Một số khu vực có giá trị bất động sản cao có thể kể đến như Cầu Bươu (52,1 triệu/m2), Kim Giang (65,4 triệu/m2), liên xã Phan Trọng Tuệ (61,9 triệu/m2), Tân Triều (77 triệu/m2).
Muốn đầu tư phải tìm hiểu kỹ
Dành lời khuyên cho giới đầu tư, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ Phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho biết: "Tôi khuyên các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, giá người ta chào trên mạng chỉ là giá chào thôi, giá giao dịch thực tế bao nhiêu chúng ta cần phải biết".
"Nếu tôi là người đầu tư, tôi phải gặp 10 ông chủ nhà, hỏi giao dịch gần nhất là bao nhiêu. Có nhiều người chào giá 50 triệu nhưng giao dịch thực tế 35 triệu. Mọi người nên xuống, dành thời gian đi khảo sát thị trường", ông Hiển nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Nhà đầu tư trước khi mua gì họ phải mất 2 tuần, gặp vài môi giới, xác định giá khu đó đúng hay không, tránh những cái đầu tư sai lệch".
Vẫn giữ quan điểm bất động sản không phải là kênh đầu tư ngắn hạn, ông Hiển nhìn nhận, thị trường bất động sản phát triển rất nhanh, từ lúc xây dựng đến lúc hoàn thành thì hầu như giá có mức chuẩn, hiện tượng sốt chỉ xảy ra ở nơi giá bị đẩy lên, nguồn cung khan hiếm.
Đồng quan điểm, Phó tổng Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính khuyến cáo, trước khi quyết định có nên đầu tư vào đất khu vực này để "đón sóng", "chờ thời" hay không, cần cẩn trọng. Phải xem xét kỹ càng tính pháp lý, quy hoạch bất động sản mình dự định tham gia. Việc này theo chuyên gia, tránh việc ào ào nhắm mắt mua phải dự án ảo, dự án lừa.
Đồng thời, phải xem xét tình hình thị trường khu vực định mua. Tìm hiểu xem giao dịch mua bán chủ yếu người tiêu dùng hay đầu cơ. Thứ ba, tốt nhất nên lựa chọn những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín để tìm hiểu.
Đối với chính quyền, theo ông Đính, cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên với các chủ đầu tư để Đông Anh có thể phát triển nhanh và đồng bộ được.
Nhiều nhà đầu tư thì cho rằng, muốn chặn đứng cơn sốt hay làm sao để hiệu quả, đòi hỏi phải có kế hoạch, giải pháp căn cơ hơn, chi tiết hơn. Theo đó, chính quyền từng địa phương phải công bố đầy đủ thông tin quy hoạch, cái nào được chuyển nhượng, cái nào không, đất quy hoạch dân cư, đất quy hoạch không phải dân cư, tầm nhìn quy hoạch 3-5 năm…
Phương Dung