Cơn sốt đất nền đã hạ nhiệt.
Trong báo cáo vừa công bố, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, đất nền lặng sóng, lượt quan tâm giảm mạnh.
Cụ thể, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản đã có dấu hiệu sụt giảm với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.
Bước sang tháng 5, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường bất động sản thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng.
Theo Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt quan tâm chung cư tăng, đất nền giảm trong dữ liệu tháng 5 cho thấy xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn "sốt nóng" của đất.
Điều này được lý giải bởi trong "cơn sốt" quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm.
Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, chung cư trước nay vốn vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ phần lớn là nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị "sốt" hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền. Trong vài năm gần đây, chung cư Hà Nội có mức tăng giá trung bình 1-3% theo năm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản, cho biết, sự bất ổn của cơn sốt đất vừa qua đến từ tình trạng làm giá của đội "cò đất".
"Nếu cơn sốt đất xảy ra thì nhà đầu tư có thể hưởng lợi, đẩy hàng nhanh, chốt lời sớm nhưng thực tế, các nhà đầu tư đều dần trưởng thành, khôn ngoan trong bỏ vốn. Họ sẽ không chấp nhận bỏ tiền vào mức giá quá cao so với giá trị thực tế", ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, các địa phương cũng thắt chặt khâu làm giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản, kể từ cơn sốt đất cục bộ vừa qua. Do vậy các nhà đầu tư cần xem xét và cẩn trọng trước khi "xuống tiền".
Mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các sở ban ngành trực thuộc tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
Theo khảo sát của PV, nhiều điểm "sốt" nóng của trước đó cũng đã hạ nhiệt. Ngay tại Mê Linh, khu vực gần đây có tin đồn sốt đất nhưng thực tế lại rất lặng sóng. "Thực tế bất động sản tại đây một vài tháng trở lại đây không có biến động lớn nào cả", một lãnh đạo UBND Tiền Phong, Mê Linh chia sẻ với PV Dân trí.
Theo vị này, bất động sản ở Tiền Phong vừa có đợt tăng giá vào quý đầu năm 2021, đặc biệt dịp sau Tết. Song gần đây, thị trường yên ắng. Cũng không có chuyện "nhà đầu tư kéo về xem bất động sản rất đông" như đồn thổi.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội, cho rằng, thông tin sốt đất gần đây chủ yếu là do môi giới và nhà đầu cơ lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư. Ông Toản đưa ra lời khuyên nhà đầu tư khi quyết định xuống tiền hãy cân nhắc vấn đề về quy hoạch, pháp lý, cẩn trọng với những thông tin mù mờ, đồn thổi...
Nguyễn Mạnh