Địa ốc thưởng Tết: Nhiều đại gia lấy lại phong độ, thấp thỏm chờ "bom tấn"
Gần Tết, chủ đề nhiều người quan tâm, hỏi han nhau nhất vẫn là chuyện "thưởng Tết có to không?", bởi trong các ngành, bất động sản là lĩnh vực nổi tiếng với những "bom tấn" về thưởng Tết.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay thưởng Tết địa ốc có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bết bát, giải thể. Tuy nhiên cũng có công ty nhanh chóng tăng tốc những tháng cuối năm, mau chóng lấy lại phong độ, doanh thu lợi nhuận tăng nhanh chóng.
Số liệu của FiinPro cho thấy, doanh nghiệp bất động sản ghi nhận phục hồi ở cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2020. Điều đáng nói hơn, sự phục hồi đó không chỉ đến từ những doanh nghiệp hàng đầu, mà còn từ các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Nhiều doanh nghiệp lấy lại phong độ, hồi phục nhanh chóng, thị trường kỳ vọng xuất hiện những "bom tấn" thưởng Tết.
Nhà "siêu mỏng" tái xuất sau mở rộng đường, mỗi m2 giá gần nửa tỷ đồng
Dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy khiến 70 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 180 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP.HCM và UBND Q.Bình Thạnh chia đôi ngân sách.
Việc mở rộng đoạn đường Bùi Đình Túy đã hình thành nên những căn nhà "siêu mỏng" như nhà của ông Đ.V.L (Phường 24, Quận Bình Thạnh), sau khi bị tháo dỡ gần 30m2, căn nhà ông chỉ còn lại 14m2.
Có trường hợp, căn nhà bị giải tỏa phần lớn chỉ còn lại 3,3m2. Chủ nhà cho biết do không có nhu cầu sử dụng nên đang rao bán với giá 1,3 tỷ đồng. Như vậy, mỗi mét vuông nhà trên đoạn đường mới được mở rộng này có giá gần nửa tỷ đồng.
Bề ngang căn nhà này chỉ khoảng 3 gang tay.
Thị trường bất động sản đón tin vui, cả nghìn dự án nhà ở được "cứu"
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43 ngày 5/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý.
Nghị định 148 nêu trên chính thức có hiệu lực từ ngày 8/2/2021. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nghị định sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc về pháp lý bấy lâu nay.
"Đặc biệt là có cơ chế hợp lý để giải quyết các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án bất động sản, giúp khai thông bế tắc cho hàng ngàn dự án nhà ở trong cả nước, vừa đảm bảo không làm thất thoát tài sản công (đất đai), vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, cũng vừa làm căn cứ pháp lý để cán bộ công chức yên tâm trong thực thi công vụ", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Mặt bằng cho thuê vẫn ế dài
Cuối năm thường là thời điểm kinh doanh, tiêu dùng sôi động nhất nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều mặt bằng ở các tuyến đường trung tâm TPHCM vẫn đóng cửa im ỉm suốt nhiều tháng qua.
Một căn nhà mặt tiền ở quận 1, TPHCM chi chít bảng cho thuê
Nhiều căn nhà mặt tiền dọc tuyến đường Bùi Viện, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Đông Du, Trần Quang Khải (quận 1); Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, quận 3); Phan Xích Long, Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)… bên ngoài dán chi chít bảng cho thuê kèm số điện thoại nhưng hầu hết là số của môi giới.
Gọi đến một số điện thoại dán trước căn nhà mặt tiền đường Hồ Tùng Mậu, phóng viên nhận được một giọng nữ khá gay gắt, tự xưng là chủ nhà: "Nếu là môi giới thì đừng hỏi, tôi chỉ muốn tìm người có nhu cầu thuê thật, chứ không tìm cò".
Trao đổi với những người bán hàng xung quanh, chúng tôi được biết căn nhà này trước đây kinh doanh mỹ phẩm, spa giá thuê gần 140 triệu đồng/tháng. Khách thuê trả lại 7-8 tháng nay nhưng chủ nhà chưa tìm được khách mới.
Giá đất tăng tới 600%: Lợi thế bất ngờ thành rào cản
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024. Theo đó, giá đất nhiều khu vực tăng đột biến, nhiều nơi tăng 300-600% so với mức giá năm 2019.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc lớn chia sẻ: "Bảng giá đất Tây Ninh tăng theo phương thẳng đứng khiến chúng tôi không kịp trở tay, phá vỡ kế hoạch đầu tư ban đầu. Để an toàn, chúng tôi dự tính thu hẹp quy mô, hoặc tính đường lùi không làm tiếp nữa để tìm cơ hội ở tỉnh khác".
Anh T.A.T, đại diện một doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM cũng than thở: "Sau khi tính toán kỹ, chúng tôi từ bỏ dự định vào Tây Ninh dù mất nhiều công sức nghiên cứu đầu tư, vì nếu làm BĐS thì chỉ có lỗ. Bảng giá đất cao tác động lớn tới chi phí đầu tư. Muốn có lãi thì phải đẩy giá bán, mà giá BĐS Tây Ninh đã đạt đỉnh, không tăng nổi nữa, có tăng cũng không bán được".
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)