Hình minh hoạ.
Quy hoạch đô thị nhìn từ Nhật Bản, Singapore
Trong khuôn khổ Hội nghị bất động sản quốc tế IREC 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia từ đã có phiên thảo luận, chia sẻ về vấn đề quy hoạch đô thị dựa trên chính kinh nghiệm của đất nước của họ một cách khá sôi nổi.
Ông Soichrio Takamine, Phó vụ trưởng, Ban Quy hoạch Đô thị, Cục Đô thị, Bộ Đất đai hạ tầng giao thông Nhật Bản cho biết, dân số Nhật Bản đang phát triển ngày càng lớn và do vậy họ đặt ra yêu cầu quy hoạch phải đảm bảo yếu tố môi trường.
Đồng thời, không chỉ quan tâm việc phát triển trong quy hoạch, người Nhật rất chú trọng yếu tố bảo tồn. Tại các địa phương, chính quyền tuân thủ khá tốt về các quy định quy hoạch đô thị.
“Bối cảnh xã hội cũng đã thay đổi nhiều nên quy hoạch đô thị cũng phải phát triển theo. Chúng tôi phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển xã hội và phát triển đô thị”, ông Soichrio Takamine nói.
Ông Soichrio Takamine cũng cho biết, ở Nhật Bản, thành tố cơ bản để tạo nên các đô thị chính là giao thông công cộng. Hệ thống tàu siêu tốc phát huy rất tốt vai trò của mình để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đó, ở Nhật, công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ nhằm quản lý tốt hạ tầng, tăng cường kết nối các mạng lưới, hệ thống, bố trí khu dân cư gần các phương tiện công cộng để phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm tải tắc đường và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình quy hoạch, Nhật Bản cũng đề cao thúc đẩy các hình thức mới giúp người dân có cuộc sống thoải mái hơn.
“Cách đây một vài ngày, chúng tôi có một trận động đất ở Hokkaido. Động đất gây ra rất nhiều tác động đối với chúng tôi. Điều đó cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình quy hoạch đô thị của Nhật Bản”, ông Soichrio Takamine nói thêm.
Thảo luận về vấn đề quy hoạch từ kinh nghiệm đảo quốc sư tử, ông Harry Yeo - nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore cho biết: Với diện rất nhỏ, do vậy mà quy hoạch đô thị có vai trò quan trọng hơn với Singapore.
“Quỹ đất hạn chế, chúng tôi buộc phải phát triển đô thị theo chiều cao và xây thêm nhiều tòa nhà chọc trời”, ông Harry Yeo nói.
Vị này cũng cho biết, đảo quốc Singapore phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nhà ở. Singapore phải đảm bảo quy hoạch đô thị vẫn có các không gian xanh và tiện ích tốt nhất. “Và chúng tôi đã làm được tốt vấn đề này”, ông Harry Yeo tự hào cho biết .
Trong khi nhiều quốc gia thường đau đầu vì ùn tắc giao thông thì tại Singapore, ông Harry Yeo cho biết họ không bị như thế vì quy hoạch giao thông rất tốt, đây là yếu tố quan trọng trong quy hoạch đô thị.
“Ở Singapore, chúng tôi có kế hoạch quy hoạch tổng thể dài hạn 5 - 10 năm. Chúng tôi phân vùng quy hoạch cho kinh doanh và nhà ở riêng biệt. Nếu đã quy hoạch cho kinh doanh thì sẽ không có nhà ở. Cơ quan Cảng vụ của Singapore là cơ quan bận rộn nhất thế giới. Vì Singapore quy hoạch rất tốt nên không có tắc đường”, nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore chia sẻ.
Ở Việt Nam thì sao?
Trong khi đó ở Việt Nam, thực tế cho thấy quy hoạch đô thị vẫn còn quá nhiều vấn đề ngổn ngang đáng bàn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Khi áp lực giao thông “đè nặng” lên hạ tầng, gần đây, vấn đề cấm xây cao ốc trong các quận trung tâm lại được đặt ra.
Một trong những giải pháp được đưa ra là sẽ không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ nhà cao tầng khu vực trung tâm mà phát triển khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư, lực lượng lao động nhằm giải tỏa cho các thành phố trước những áp lực giải quyết việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông.
Trong khi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quang câu chuyện nên cấm xây cao ốc ở trung tâm hay phát triển theo mô hình "đô thị nén" với các tòa nhà cao tầng thì dự án "treo" cũng là vấn đề đau đầu đối với quy hoạch đô thị. Riêng tại Hà Nội, có tới 383 dự án chậm triển khai trên địa bàn 30 quận huyện, thị xã,
Trong một văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội mới đây, Bộ Xây dựng nêu rõ: Nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng dự án "treo" là do việc lập quy hoạch còn chưa tổng hợp đầy đủ và xử lý tốt các thông tin hiện trạng và thông tin dự báo về tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố đầu vào khác dẫn tới mục tiêu, tầm nhìn, một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác.
Quy hoạch thiếu tính khả thi do chưa hoặc không xác định các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, công viên, trường học …) và đền bù giải phóng mặt bằng.
Việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Một số nhà đầu tư do không quan tâm hoặc không đủ năng lực tài chính nên mới chỉ chú ý đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, dịch vụ mà chưa tập trung xây dựng các công trình hạ tầng trong khu vực dự án và công trình hạ tầng kết nối dự án với các khu vực lân cận.
Đáng lưu ý, theo Bộ Xây dựng, một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán chính xác các yếu tố, nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, nhất là đối với các công trình hạ tầng.
Nguyễn Khánh