Vài ngày qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng một số xã, phường của thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) sẽ được sáp nhập vào TP Đà Nẵng. Vậy mục đích của việc tung tin đồn này là gì?
Ngày 9/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đạt – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn – cho biết: Ngày 8/3, ông đã kí một văn bản về việc chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn.
Một số dự án về hạ tầng ở thị xã Điện Bàn, sát với TP Đà Nẵng đã được đầu tư trong thời gian qua cũng đã đẩy giá đất ở khu vực giáp ranh này tăng lên rất cao
Theo công văn này, trong thời gian qua, một số đối tượng “cò đất” lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin trên các trang mạng xã hội, như một số đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Điện Bàn sẽ sáp nhập vào TP Đà Nẵng, địa phương sắp triển khai những dự án hàng trăm tỷ đồng…
Đi kèm với đó là những chiêu trò kinh doanh “đồn thổi” thông tin về giá đất tăng cao của các nhóm, hội kinh doanh bất động sản nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và cũng chính những nhóm này mua đi bán lại đất đai bằng hợp đồng đặt cọc ảo để đánh lừa nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua đất.
Từ đó sẽ gây “sốt ảo” giá đất để thu lợi nhuận, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước tình trạng trên, UBND thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn; ngặn chặn, xử lý tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định.
Ông Nguyễn Đạt khẳng định với PV Dân trí, tin đồn là do “cò” tung ra. “Cái trò này cò đất làm hoài nhưng lần này mình lên tiếng để ổn định”, ông Đạt nói.
Việc tung tin thất thiệt gây rủi ro lớn cho thị trường bất động sản trong các giao dịch mua bán đất. Do đó, UBND thị xã Điện Bàn thông tin cảnh báo tình trạng sốt “đất ảo” đang diễn ra trên địa bàn.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - cho biết, về mặt quy hoạch chung phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, chính quyền các cấp không có chủ trương lẫn định hướng thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào TP Đà Nẵng.
Cũng theo ông Trần Úc, trên địa bàn thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép phát triển đô thị và nhà ở trong năm 2019 với diện tích đất 166ha, trong năm 2020 với diện 115ha và sau năm 2020 là 100ha.
Đây cũng là nguồn cung rất lớn. Với nguồn cung lớn về diện tích phát triển đô thị và nhà ở, địa phương sẽ có những điều chỉnh hợp lý về cầu. Đối với thông tin sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã của địa phương vào TP Đà Nẵng được tung ra trong thời gian quan, chính quyền thị xã Điện Bàn khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giao dịch mua bán nhà đất.
C.Bính