Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản số 100/2019/CV- HoREA, gửi đến Bộ Xây dựng và chính quyền TPHCM để góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Văn bản cho biết, HoREA nhận thấy quy định hiện nay về cách tính quyền biểu quyết trong hội nghị nhà chung cư của các chủ sở hữu nhà chung cư không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, căn hộ vừa, căn hộ nhỏ. Hay như đối với chủ đầu tư hoặc người sở hữu phần diện tích khác "thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất”.
HoREA đề nghị sửa đổi cách tính quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư thành: mỗi m2 diện tích căn hộ, hoặc mỗi m2 diện tích khác trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết.
Chính điều này đã làm cho chủ đầu tư và người sở hữu phần diện tích khác bị thiệt. Trong khi đó, quyền biểu quyết trong hội nghị nhà chung cư là ngang nhau, tính theo căn hộ, không phân biệt căn hộ lớn, căn hộ vừa, căn hộ nhỏ
Do đó, HoREA cho rằng, quyền biểu quyết này nên tính theo tổng số m2 của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác, như cách tính quyền biểu quyết trong công ty cổ phần, thì hợp lý hơn. Cụ thể, HoREA đề nghị sửa đổi Khoản (3.a), Khoản (3.b) thành Khoản (3.a) và sửa đổi Khoản 3 Điều 16 Dự thảo Thông tư.
“3. Quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị m2 diện tích của chủ sở hữu, chủ sở hữu phần diện tích khác và được quy định, như sau: a) Mỗi m2 diện tích căn hộ, hoặc mỗi m2 diện tích khác trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết", đề nghị sửa đổi được HoREA nêu trong văn bản.
Ngoài ra, theo HoREA, trong dự thảo nói trên có quy định Hội nghị nhà chung cư phải tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% (thay vì 75% như hiện hành) số căn hộ đã được bàn giao cho người mua. Đối với Hội nghị nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng, nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự Hội nghị về các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 102 Luật Nhà ở. Việc lấy ý kiến phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến.
Quế Sơn