Nhiều văn phòng quản lý đất đai trong tình trạng quá tải. (Ảnh minh hoạ).
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay mới có 15/53 Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, thành phố có trụ sở làm việc riêng, còn hầu hết các Văn phòng Đăng ký nằm trong khuôn viên của Sở Tài nguyên và Môi trường, các Chi nhánh được bố trí phòng làm việc nằm trong khuôn viên của Ủy ban nhân dân cấp huyện, một số chi nhánh phải thuê, mượn phòng làm việc của cơ quan khác.
Đáng lưu ý, thực trạng kho lưu trữ của các Văn phòng Đăng ký đã quá tải không còn chỗ, tài liệu phải để trên cả lối đi khó bảo đảm an toàn cho lưu trữ tài liệu hoặc để tài liệu lưu trữ cùng nơi làm việc thậm chí bố trí dưới tầng hầm chật chội, ẩm thấp.
Về trang thiết bị làm việc, hầu hết Văn phòng đăng ký sau khi được thành lập, các trang thiết bị được chuyển nguyên trạng từ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất sang nhưng do máy móc đã qua thời gian sử dụng lâu dài nên xuống cấp, hư hỏng, hết thời gian khấu hao hoặc thiếu hụt gây ảnh hưởng lớn đến công việc chuyên môn và hoạt động của hệ thống.
So với số lượng cán bộ hiện có và chức năng, nhiệm vụ được giao thì chỉ có một số ít Văn phòng Đăng ký về cơ bản đã trang bị đủ máy tính cho cán bộ còn hầu hết đều chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có Văn phòng đăng ký chỉ đạt dưới 0,5 máy tính/cán bộ.
Theo báo cáo của 53 địa phương thì hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai có tổng số 12.395 cán bộ, trong đó số cán bộ trong biên chế chỉ chiếm 42 % với 5.201 người; gần 58% còn lại là cán bộ hợp đồng với 7.194 người.
Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý Đất đai cho biết, theo yêu cầu nhiệm vụ thì lực lượng trên còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn còn hạn chế đặc biệt là lực lượng cán bộ vừa có trình độ chuyên môn về quản lý đất đai vừa am hiểu công nghệ thông tin (tại phía bắc nhân lực tại các Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh trung bình chỉ có khoảng 10-20 người, trung bình các chi nhánh chỉ có khoảng 5-7 người).
Về chất lượng nguồn nhân lực ở một số Chi nhánh Văn phòng đăng ký còn hạn chế do trước khi kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai hầu hết các cán bộ có năng lực chuyên môn đều chuyển sang Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Báo cáo cũng cho biết, Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện chức năng là “dịch vụ công” nhưng kinh phí hoạt động lại qua phí, lệ phí có mức thu rất thấp và nhiều nơi người tham gia giao dịch lại được miễn giảm phí, lệ phí, trong khi Văn phòng đăng ký đất đai chỉ được sử dụng một phần nên không đủ trang trải cho các hoạt động thường xuyên, khó khăn cho việc đảm bảo hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai.
Trong khi đó, là tổ chức hỗ trợ cho các hoạt động dịch vụ công về đất đai tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên việc đầu tư trở lại để phục vụ cho hoạt động quản lý đất đai như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đầu tư hạ tầng thông tin đất đai là rất hạn chế.
Phương Dung