Fica
  1. Bất động sản

Phòng cháy ở chung cư: Nhiều chủ đầu tư làm kiểu “đối phó”, xài thiết bị rẻ tiền

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dân trí “Nhiều chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới việc đầu tư về hạng mục phòng cháy chữa cháy, làm với hình thức đối phó, làm cho có để được thẩm duyệt, lựa chọn các thiết bị rẻ tiền, công nghệ cũ…”, Thượng tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công An nói.

Hình minh hoạ.

Hình minh hoạ.

 

Thượng tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công An đã cho biết thực trạng trên khi phát biểu tại Hội thảo về PCCC do Viện Kiến trúc quốc gia tổ chức sáng nay (24/8).

Theo Thượng tá Bùi Quang Việt, tại khu chế xuất, trung tâm thương mại, các công trình công cộng lớn, đặc biệt tại các công trình chung cư cao tầng… luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ gây mất an toàn.

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 2.089 vụ cháy, làm chết 65 người, 133 người bị thương, thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng.

Riêng đối với các công trình chung cư cao tầng, hiện cả nước có khoảng 3.000 nhà chung cư, trong đó có trên 1.000 chung cư cao tầng (từ 10 tầng trở lên). Thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ ở chung cư, gây thiệt hại cả về người và tài sản, gây tâm lý hoang mang lo ngại.

Thượng tá Việt cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Trong đó, có yếu tố đến từ phía các chủ đầu tư. “Một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới việc đầu tư về hạng mục phòng cháy chữa cháy cho công trình, còn làm với hình thức đối phó, làm cho có để được thẩm duyệt, nghiệm thu để đưa vào sử dụng”, Thương tá Việt nói.

Thậm chí, nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng các hệ thống phòng cháy chữa cháy, lựa chọn thiết bị rẻ tiền, công nghệ cũ, chất lượng kém dẫn đến khi đi vào hoạt động một thời gian thì phát sinh hư hỏng, báo lỗi…

Tại nhiều chung cư, Thượng tá Bùi Quang Việt cho biết, trong một thời gian dài không lập được ban quản trị, hoặc ban quản trị lập nhưng chỉ mang tính hình thức. Dẫn đến việc kém hiệu quả trong việc duy trì, vận hành các hệ thống kỹ thuật PCCC, không có cán bộ kỹ thuật chuyên môn để kiểm tra, xử lý khi có tình huống cháy nổ xảy ra…

Để khắc phục, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho rằng cần xây dựng được định mức về giá thiết bị, vật tư, định mức đầu tư tối thiểu của hạng mục hệ thống PCCC (chiếm bao nhiêu % so với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án) để đảm bảo vấn đề chất lượng, kinh phí duy trì trang thiết bị.

Bên cạnh đó nghiên cứu tăng mức tiền phát đối với một số vi phạm, bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung để có căn cứ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, đặc biệt là các hành vi vi phạm như thi công xây dựng khi chưa được thẩm duyệt, đưa vào sử dụng mà chưa được nghiệm thu PCCC…

Cho người già, trẻ nhỏ, người giúp việc đi học PCCC

Theo ông Phạm Viết Tiến (Trường Đại học PCCC), một nguyên nhân khác cần phải được kể tới dẫn đến nguy cơ mất an toàn đó là ý thức của cư dân. Tại nhiều chung cư, một số người dân ý thức chưa cao, dẫn đến vi phạm quy định về an toàn PCCC như tự ý bít các đầu báo cháy, sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt sai quy định, di chuyên các phương tiện chữa cháy đi chỗ khác…

Thậm chí có tình trạng một số người dân sinh sống trong các khu chung cư nhưng đun nấu tại các khu vực hàng lang, cầu thang, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, đổ than tro vào thùng rác…

Ông Tiến cho rằng cần phải kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về PCCC. Đối với các vi phạm đã bị xử lý nhưng không thực hiện, tiếp tục tái phạm thì sau thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì cần tiếp tục xử lý ở mức tăng nặng. Đồng thời cần xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp chủ đầu tư, đơn vị quản lý chây ỳ, cố tình không chấp hành dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

TS. Phan Anh – Giảng viên Khoa Phòng cháy, Đại học PCCC cũng đưa ra ý kiến cho rằng, cần nâng cao hơn ý thức của chủ đầu tư và người dân trong việc tự đảm bảo an toàn PCCC tại các công trình chung cư cao tầng.

Qua thực tế, ông Phan Anh cho biết, một bộ phận người dân còn chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC. Trung bình số người tham dự các đợt tuyên truyền chỉ đạt 15-25%, trong đó chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, người giúp việc… tham gia.

“Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư còn chủ quan, đặt nặng hiệu quả kinh tế mà cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC”, ông Phan Anh nói.

Cũng theo vị này, sau khi xảy ra nhiều vụ cháy lớn, đặc biệt là vụ cháy chung cư Carina tại TP.HCM vừa qua, người dân và chủ đầu tư cũng đã ý thức hơn trong việc đảm bảo PCCC. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, pháp luật về PCCC. Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm các chủ đầu tư...

Nguyễn Khánh