Fica
  1. Bất động sản

Phân khúc bất động sản nào sẽ lên ngôi trong năm 2020?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo nhận định của giới chuyên gia, năm 2020 dư địa phát triển lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nhà ở bình dân, bất động sản công nghiệp.

Nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2020, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2020 dư địa phát triển lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nhà ở bình dân, bất động sản công nghiệp. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế.

Với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch, trong những năm trở lại đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho du khách, đặc biệt là tại các vùng có lợi thế về du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn cung khách sạn có thương hiệu còn rất hạn chế. Do đó, đây chính là điểm sáng cho các nhà đầu tư.

“Dự báo, trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm, thời gian nghỉ trung bình 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ 3 - 4 ngày… Việt Nam sẽ cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp”, ông Nam nhận xét.

Cùng với đó, ông Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp đang có cơ hội lớn. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. 

“Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”, ông Nam nhận định.

Phân khúc bất động sản nào sẽ lên ngôi trong năm 2020? - 1

Phân khúc bất động sản du lịch, nhà ở bình dân, bất động sản công nghiệp là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. 

Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO cho rằng, năm 2019, bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch đã trở thành điểm nhấn nhờ dòng tiền chuyển dịch mạnh mẽ, dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc đi nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần khai thác ngoại lực này để đẩy mạnh phát triển bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.

Phân khúc tiếp theo được nhận định sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2020 là nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực đô thị trong cả nước.

Theo ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, thị trường nhà ở tại Việt Nam đã phát triển nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn ở mức thấp và cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực.

Cụ thể, HongKong hiện là khu vực có mức giá căn hộ đắt đỏ nhất với 45.500 USD/m2, kế đến là Singapore với 25.600 USD/m2, Tokyo (Nhật Bản) là 15.800 USD/m2 và Băng Kok (Thái Lan) là 4.500 USD.

Trong khi đó, tại TP HCM và Hà Nội có mức giá lần lượt là 3.800 USD/m2 và 3.200 USD/m2, vẫn thấp hơn mức giá 4.500 USD/2 tại thị trường Bangkok.

Với mức giá cạnh tranh, thị trường nhà ở Việt Nam có sút hút đối với nhà đầu tư ngoại hơn các thị trường cùng khu vực.

Năm 2015, Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu 30% số căn hộ của một dự án thì ngay lập tức, mức trần này được lấp đầy, chủ yếu là các khách hàng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và HongKong.

"Điều này đồng nghĩa, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Vấn đề là chọn đúng dự án, đúng địa điểm và thiết kế giá tốt. Giá rẻ nhưng lợi suất đầu tư nhà ở tại Việt Nam rất cao, tối thiếu 6.5-7%", ông Michael Paul Piro nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, nguồn cung nhà ở giá rẻ đang rất thiếu. “Các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án của mình và chắc chắn, năm 2020 sẽ có sản phẩm bán ra. Năm nay, nguồn cung sản phẩm ít là do nhiều dự án phải tạm dừng để điều chỉnh”, ông Khởi cho biết.

Theo ông Khởi, Bộ Xây dựng luôn đề xuất khuyến khích, xây dựng cơ chế ưu đãi cho loại nhà ở thương mại giá thấp để thúc đẩy nguồn cung. Đây là yếu tố cần thiết để thúc đẩy thị trường. Về phía doanh nghiệp, hiện là thời điểm cần thay đổi cơ cấu sản phẩm.

“Nếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này, tôi tin là sản phẩm ra đến đâu sẽ bán hết hàng đến đó”, ông Khởi nhận định.

Theo Minh Khôi

Dân Việt

Phân khúc bất động sản nào sẽ lên ngôi trong năm 2020? - 2