Tuần qua, vụ việc Bộ Xây dựng gửi thông báo “đòi" nhà công vụ tới 12 cựu quan chức thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, không chỉ 1-2 lần, có người nhận thông báo "đòi" đến lần thứ 3 vẫn chưa trả.
Trả lời báo chí về lí do vì sao chậm trả nhà, mỗi người đưa ra những lý do khác nhau. Một số cựu quan chức viện lý do đang xây và sửa nhà mới song bị chậm trễ do ảnh hưởng của Covid-19; có trường hợp đang làm thủ tục, người khác nói trước đây họ nghe tin nhà sẽ được thanh lý nên đợi để mua "hoá giá"...
Đến thời điểm này, 12 cựu quan chức được yêu cầu trả lại nhà công vụ nêu trên thì có một người đã bàn giao, một số người hẹn trả nhà cuối tuần này; những người còn lại và gia đình (một cựu quan chức đã qua đời) cam kết bàn giao vào cuối tháng 4.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu dư luận ồn ào về việc chậm trễ trong nhà trả công vụ sau khi nghỉ hưu. Trước đây, từng có những vụ chây ì trả nhà biệt thự công vụ hao tốn giấy mực của báo chí.
Nhà ở công vụ CT1-CT2 Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi nhiều cựu cán bộ chậm trả nhà với nhiều lý do khác nhau.
Trao đổi với PV Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bình luận: Không nên để tình trạng này tiếp diễn nữa, cần có biện pháp “cứng rắn" hơn để họ trả lại.
Theo ông Võ, nhà công vụ là tài sản nhà nước được giao cho các cán bộ thuộc diện được ở, sử dụng trong thời gian làm công vụ, được cấp theo hạn định.
"Cái tên đã thể hiện tất cả, nó là nhà công vụ, tức là ông đang thực hiện công vụ, vẫn đang công tác mới được sử dụng. Cán bộ được giao sau khi thôi công tác phải trả lại cho Nhà nước, chứ không thể coi đó là nhà riêng và việc chây ì không trả chẳng khác gì chiếm đoạt tài sản nhà nước" - ông Võ bức xúc nói.
Đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề này, ông Võ nhấn mạnh: Không thể cứ "nhẹ nhàng" ra thông báo, rồi họ nhận thông báo đến vài lần không chịu trả.
“Muốn thu hồi nhà công vụ cần ra quyết định hành chính, nếu các cựu cán bộ không chịu trả nhà thì ra quyết định cưỡng chế” - ông Võ kiến nghị và cho rằng "cán bộ, cựu cán bộ, càng cấp cao, càng phải thực hiện trách nhiệm nêu gương. Nếu không thực hiện đúng quy định pháp luật thì phải công khai danh tính, nêu tên cho cả xã hội biết".
Ông Võ góp ý với cơ quan quản lý nhà công vụ, không thể có sự “nể nang” mà lãng phí tài sản của nhà nước. Tài sản nhà nước là tài sản toàn dân, dân chậm trễ thì chúng ta cưỡng chế ngay còn quan chức lại nhân nhượng, ông Võ cho biết.
Giáo sư Võ cũng cho rằng, không chỉ vài trường hợp nêu trên, vẫn còn có nhiều người còn giữ nhà công vụ chưa chịu trả. Do vậy, cần rà soát lại để xem tình trạng lạm dụng của công ra sao, nâng cao ý thức cán bộ, tạo công bằng.
“Người thì trả ngay lập tức, người thì sử dụng mãi không trả. Cần xử lý theo đúng quy định pháp luật” - ông Võ nói.
Ngoài việc cứng rắn như ra quyết định hành chính, ông Võ nói: Công khai danh tính là biện pháp hữu hiệu. Kinh nghiệm xử lý của nhiều nước họ công khai danh tính và hành vi làm sau.
“Xử lý về mặt đạo đức, cưỡng chế là mặt pháp luật. Không thể né tránh. Đây là câu chuyện bảo vệ uy tín của cán bộ nói chung” - ông Võ cho biết.
Trong khi đó, bàn về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhà nước nên mạnh dạn chuyển dần sang cơ chế khoán tiền nhà cho cán bộ, lãnh đạo, công chức thuộc diện cần sử dụng nhà công vụ để tăng tính linh hoạt, tiết kiệm ngân sách nhà nước và hạn chế tình trạng khó đòi lại nhà.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung duy trì nhà ở công vụ cho các địa phương vùng sâu, vùng xa để thu hút, động viên cán bộ về công tác, hoặc dành cho lực lượng vũ trang, giáo viên về đây làm việc...
Được biết, tổng quỹ nhà công vụ hiện nay là 315.280 m2 sàn, gồm 49 biệt thự, 6.377 căn hộ và nhà ở một tầng. Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091 m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189 m2.
Quỹ nhà ở của các cơ quan trung ương bao gồm 42 biệt thự, 4.890 căn hộ và nhà ở một tầng, trong đó có 100 căn được mua mới từ quỹ nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ.
Nguyễn Mạnh