Fica
  1. Bất động sản

Nỗi khổ của "đại gia" phía sau cảnh bán tháo khách sạn

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Năm 2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3-5 sao ở một số nơi giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua. Giá cũng giảm quá nửa khiến cho các "đại gia" cũng phải đau đầu.

Khách sạn phố cổ_Nguyễn Mạnh.jpeg

Một nhà phố vốn từng là khách sạn ở khu vực phố cổ được rao với giá 69 tỷ đồng (Ảnh: N.M).

Một sàn giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng đưa thông tin rao bán với danh sách lên tới vài chục khách sạn cùng một lúc. "Tổng hợp khách sạn Đà Nẵng cần bán gấp vì Covid-19, gần biển, giá tốt" - lời rao hấp dẫn từ phía sàn môi giới đi kèm với vài chục địa chỉ khách sạn cần rao bán. 

Rất chi tiết, danh sách bao gồm vị trí, giá cả, tầm nhìn. Giá cả khá phong phú, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí vài nghìn tỷ đồng cũng có, tùy thuộc vào diện tích, view, thương hiệu...

rao bán khách sạn_ảnh chụp màn hình

Rộ tin rao bán khách sạn ở Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình).

Cũng như đa số các nước trên thế giới, ngành du lịch khách sạn tại Việt Nam đang hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề, đặc biệt là trong làn sóng dịch thứ tư này, do những quy định về đóng cửa biên giới quốc tế, hạn chế các đường bay trong nước và các biện pháp giãn cách xã hội. 

Theo khảo sát trên một loạt diễn đàn, trang mua bán bất động sản, không riêng gì những khu du lịch ven biển như Đà Nẵng, những thông tin rao bán khách sạn ở khu vực đắt đỏ bậc nhất Hà Nội cũng xuất hiện rất nhiều.

Mức giá khá phong phú tùy vào vị trí, diện tích, tuy nhiên đa số đều ở tầm tài chính rất lớn, hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, một khách sạn có tầm nhìn ra bờ Hồ rộng 155 m2 còn được rao với giá 215 tỷ đồng, tức là gần 1,4 tỷ đồng/m2.

Cũng có khách sạn rao bán với đắt đỏ như một khách sạn sang trọng ở Hàng Bông có diện tích hơn 300 m2, được rao với giá khoảng 2 tỷ đồng/m2.

Đề cập đến việc rao bán bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô - cho biết, chi phí vận hành một khách sạn rất lớn.

"Làn sóng rao bán khách sạn vừa qua chúng ta thấy rất rõ ràng, bởi phí vận hành những bất động sản giá trị lớn ở khu vực thành phố hay khu du lịch đắt đỏ rất tốn kém", ông Trung cho hay.

Theo thống kê của Savills, trước khi đại dịch diễn ra, tỉ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 đến 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, cao nhất trong 10 năm vừa qua với giá phòng trung bình đạt 113 USD/phòng/đêm (gần 2,6 triệu đồng). 

Mặc dù vậy, đến năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ lấp đầy của thị trường này chỉ còn trung bình 30%, giảm khoảng 44 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, giá phòng cũng vì thế giảm 30% còn khoảng 81 USD/phòng/đêm (gần 1,87 triệu đồng). 

Trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 25%, giá phòng trung bình khoảng 72 USD/phòng/đêm (1,65 triệu đồng).

Tại Đà Nẵng, địa điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam, tỉ lệ lấp đầy tại các khách sạn ở đây vào thời điểm năm 2019 đạt 61% với giá phòng trung bình là 108 USD/phòng/đêm (gần 2,5 triệu đồng). Nhưng đến năm 2020 giảm chỉ còn 17% với giá phòng tương đương 54 USD/phòng/đêm (1,24 triệu đồng). 

Đến năm 2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ còn 11% và giá phòng trung bình chỉ đạt 49 USD/phòng/đêm (1,12 triệu đồng).

Ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam - nhận định những con số này đã phản ánh chính xác những tác động to lớn của đại dịch Covid-19 tới phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng trên tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam.

"Bên cạnh đó, du lịch khách sạn cũng là một trong những ngành công nghiệp có đóng góp lớn cho nền kinh tế, với việc sử dụng lao động nhân công lớn, có nhiều liên kết và bổ trợ cho lĩnh vực dịch vụ khác. Chính vì thế, sự sụt giảm của du lịch khách sạn cũng ảnh hưởng nhiều tới chuỗi cung ứng chung", ông Troy Griffiths nhận định.

Nhiều khách sạn cứu vãn tình thế khi chuyển sang làm địa điểm cách ly

Đánh giá về phân khúc các khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly tập trung, chuyên gia Savills cho biết, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường khách sạn nghỉ dưỡng nói chung, đặc biệt là với những cơ sở vừa và nhỏ.

Theo con số của đơn vị này đưa ra, hiện nay có khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly, và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.

Riêng tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Còn ở Đà Nẵng là khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. Con số này ở TPHCM là 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng, trong đó số lượng khách sạn ở quận 1 chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn, quận Tân Bình là 32%, số còn lại ở quận 7, quận 3 và quận 5.

Cũng chính từ xu hướng này, thị trường TPHCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 78%. Tất cả các khách sạn 5 sao trong khu vực này đều đã được sử dụng thành các cơ sở cách ly y tế.

"Có thể thấy nhu cầu về khách sạn cách ly đang có xu hướng tăng lên, với nhóm đối tượng khách hàng có thể đến từ các nhân viên thuộc phi hành đoàn, các nhà ngoại giao quốc tế, các chuyên gia nước ngoài - những người thường xuyên nhập cảnh ra vào Việt Nam", chuyên gia Savills nhận định.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan