Fica
  1. Bất động sản

Nỗi khổ condotel: Kẻ ngậm ngùi bán tháo, người "gồng lỗ" cả chục tỷ đồng

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Dịch Covid-19 tái bùng phát cùng những mơ hồ về pháp lý, những xung đột giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu khiến thị trường condotel tiếp tục khó khăn.

Hình minh hoạ.

Thi nhau rao bán cắt lỗ 

Chị Thủy - chủ căn hộ condotel ở khu vực Nha Trang (Khánh Hòa) vừa buộc phải rao bán cắt lỗ sau một thời gian dài "ế ẩm", không có nguồn thu. Trước đây, chị mua căn condotel này vì lời hứa cam kết lãi suất lên tới 15% của chủ đầu tư. Sau khi "vỡ mộng" về lãi suất cam kết, chị lại gặp khó khăn trước tình trạng chung của thị trường condotel thời dịch.

Anh Tùng, môi giới tại Khánh Hòa cho biết, có căn condotel của khách hàng mua tại Cam Ranh có giá 1,5 tỷ, rao bán cắt lỗ hơn 200 triệu đồng nhưng vẫn khó bán.

Theo tìm hiểu của PV, trên các trang rao vặt bất động sản, chỉ cần nhập từ khóa condotel thì sẽ thấy ngay vô số những lời rao cắt lỗ với đủ các mức giá khác nhau. Bên cạnh những lời rao "bánh vẽ" của môi giới, rất nhiều trong số này là những "chính chủ" vì không thể tiếp tục "gồng" được lỗ nên buộc phải rao bán.

Còn theo khảo sát trên Batdongsan.com.vn, condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100-300 triệu đồng/căn. Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn cắt lỗ 400-500 triệu đồng. Tại Đà Nẵng, condotel trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… cũng ghi nhận nhiều căn đang rao cắt lỗ phổ biến từ 200-300 triệu đồng.

Điều đáng buồn, dù chấp nhận cắt lỗ lớn nhưng rất nhiều căn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng vẫn ế "chỏng chơ". Thị trường sơ cấp cũng ảm đạm không kém. Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cả năm mới chỉ giao dịch khoảng 120 sản phẩm condotel.

Cũng theo hội này, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng. Quý 4/2020, thị trường mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Điều đáng quan tâm của thị trường

Không "nóng ruột" cắt lỗ, một số chủ sở hữu condotel quyết định sẽ chờ hết dịch Covid-19 để vận hành, kinh doanh. Nói với Dân trí, ông Mai Huy Tân, người đầu tư gần 600 tỷ đồng vào dự án Cocobay Đà Nẵng và cũng là khách hàng lớn nhất của dự án chia sẻ: Tôi cùng 17 chủ sở hữu khác tại dự án tính phương án sau khi nhận bàn giao sẽ hợp tác với một bên nước ngoài để vận hành. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì những chủ sở hữu này sẽ kinh doanh vì từng người riêng lẻ thì khó mà vận hành được.

Nỗi khổ condotel: Kẻ ngậm ngùi bán tháo, người gồng lỗ cả chục tỷ đồng - 2
Du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, những tranh chấp tại các dự án condotel giữa chủ sở hữu và chủ đầu tư cũng khiến thị trường trở nên "xấu xí" hơn. Ảnh minh họa/nguồn: Internet.

"Chúng tôi thống nhất hết với nhau rồi, chỉ chờ phía Thành Đô bàn giao sổ đỏ. Chỉ khi có những pháp lý đầy đủ, chúng tôi mới có thể làm việc được với các đối tác nước ngoài. Bây giờ hơn 600 tỷ đồng tôi bỏ ra, chưa làm được gì cả vì sự lằng nhằng của chủ đầu tư. Tiền lãi một năm là 34 tỷ đồng. Thực sự quá khổ tâm", ông Tân chia sẻ.

Một chủ sở hữu condotel ở khu vực Đà Nẵng chia sẻ: Hầu hết những ai đã lỡ đầu tư vào condotel tới thời điểm này chắc đều thấy đó là một quyết định sai lầm. Nguyên nhân có nhiều, có thể do Covid-19, có thể do những tranh chấp với phía chủ đầu tư trong tỷ lệ ăn chia, "vỡ trận" cam kết lãi suất, vấn đề pháp lý… 

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Hiệu quả kinh doanh ngành du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Hiện tượng trên là một trong những nguyên nhân khiến bất động sản du lịch năm 2020 kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.

Trong khi đó, về chính sách và động thái từ cơ quan chính quyền các địa phương, ông Đính cho biết vẫn chưa có động thái gì đáng kể, đặc biệt là các vấn đề về pháp lý nên chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch.

Bên cạnh đó, những tranh chấp tại các dự án condotel giữa chủ sở hữu và chủ đầu tư cũng khiến thị trường trở nên "xấu xí" hơn. Như tại dự án Cocobay, "cuộc chiến" giành quyền lợi giữa hai bên vẫn dai dẳng. Khi chưa xử lý được những vấn đề lớn như pháp lý, cam kết về lãi suất, xử lý hậu quả khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết… khiến cho thị trường càng trở nên méo mó.

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có những "bế tắc" ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng kiểu mới như condotel.

"Condotel phát triển khá mạnh mấy năm trước đây, nhưng hiện nay ách tắc lại, nhà đầu tư thứ cấp quay lưng. Sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng rồi sẽ quay lại cách truyền thống, tức là chủ đầu tư tự bỏ tiền, tự khai thác", ông Võ lo ngại.

Cũng theo ông Võ, năm nay ảnh hưởng Covid-19, khách du lịch quốc tế không đến được Việt Nam nên những ách tắc ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa bộc lộ nhiều. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách du lịch tăng lên thì vấn đề này sẽ lộ diện, thị trường không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chúng ta cần nhận thức được vấn đề này để khắc phục.

Nguyễn Mạnh