Fica
  1. Bất động sản

Nhái thương hiệu bất động sản “lớn” để dụ khách hàng…!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Thời gian qua, liên tục xuất hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản có những tên gọi “na ná” các ông lớn kinh doanh địa ốc. Hậu quả, không ít khách hàng mắc quả lừa, dẫn đến tiền mất mà đất lại không có.

“Dựa hơi” những “ông lớn”

Hưng Thịnh, Himlam… được biết đến là những ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Thương hiệu của các doanh nghiệp này cũng được xây dựng theo thời gian với những dự án lớn và đảm bảo uy tín với khách hàng.

Thế nhưng, những năm gần đây, khi thị trường bất động sản sôi động, thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Đây cũng là lúc xuất hiện những đơn vị kinh doanh sao chép tên gọi “hao hao” giống với những ông lớn địa ốc khác.

Nhái thương hiệu bất động sản “lớn” để dụ khách hàng…! - 1

Doanh nghiệp bất động sản khốn khổ vì bị các đơn vị "nhái" tên thương hiệu để lừa đảo khách hàng

Mới đây, Công an tỉnh Long An cho biết, đang tiến hành truy tìm 4 lãnh đạo từ năm 2017 đến năm 2020 của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng bất động sản (BĐS) Hưng Thịnh (gọi tắt là Hưng Thịnh Long An) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa.

Theo đó, cơ quan chức năng truy tìm 4 người gồm: Nguyễn Kim Phượng (44 tuổi, ngụ TPHCM, làm Giám đốc từ 5/2017 đến 8/2018), Nguyễn Thị Kim Liên (42 tuổi, quê Bến Tre, làm Giám đốc từ tháng 6/2018 đến 3/2019), Lê Hữu Hào (39 tuổi, quê Tiền Giang, làm Giám đốc từ 4/2019 đến nay) và Nguyễn Phú Thuận (42 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, Long An, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh).

Công an tỉnh Long An cho biết, Công ty Hưng Thịnh Long An có hành vi gian dối thông qua việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả góp, góp vốn đầu tư, đã bán 118 lô đất nền không có trong dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường chiếm đoạt gần 58 tỷ đồng của người dân.

Trước đó, phát hiện hành vi của lãnh đạo Công ty Hưng Thịnh Cát Tường, những người mua đất đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp này trả lại tiền, tuy nhiên vẫn không đi đến đâu.

Quá bức xúc, người dân đã nhiều lần căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư dự án lừa đảo, bán đất khi chưa đủ điều kiện. Công an tỉnh cũng tiếp nhận 2 đơn tập thể (đại diện cho 23 người) và 22 đơn của các nhân tố cáo chủ đầu tư dự án có hành vi lừa đảo.

Vụ việc của Công ty Hưng Thịnh Long An đã gây ra nhiều xôn xao dư luận. Nhiều khách hàng lầm tưởng cho rằng Tập đoàn Hưng Thịnh (tại TPHCM) có liên quan hoặc hiểu sai cho doanh nghiệp này.

Trước sự nghiêm trọng của vụ việc, Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh. Đồng thời, dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường cũng không thuộc danh mục các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.

Tương tự, vào năm 2018, Công ty Him Lam Land cũng “đau đầu” khi tên thương hiệu doanh nghiệp bị những kẻ mạo danh gắn vào hai dự án có tên là "Him Lam Bình Chánh" hay "Him Lam Nam Sài Gòn"… nằm ngay trên địa bàn TPHCM. Sự việc buộc Công ty Him Lam Land phải ra thông báo cho biết không hề có bất kỳ dự án nào nằm tại khu vực mà thông tin trên mạng quảng cáo.

Tập đoàn Đại Phúc cũng bị dân môi giới lấy “mác” dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức) để chào mời khách hàng mua đất tại một dự án “ma” ở Bình Dương, cách đó không xa.

Nhái thương hiệu bất động sản “lớn” để dụ khách hàng…! - 2

Tập đoàn Hưng Thịnh đã tiến hành khởi kiện Công ty Hưng Thịnh Long An và được thụ lý tại TAND tỉnh Long An.

Cần mạnh mẽ xử lý để bảo vệ thương hiệu

Tình trạng nhái thương hiệu các doanh nghiệp bất động sản lớn để thu hút khách hàng hoặc tạo sự nhầm lẫn cho khách đang diễn ra ngày càng phổ biến. Trước thực trạng này, nhiều ông lớn của ngành địa ốc đã lên tiếng và sử dụng pháp luật can thiệp để bảo vệ thương hiệu của mình.

Đối với trường hợp của Tập đoàn Hưng Thịnh, vào ngày 10/09/2019, doanh nghiệp này đã tiến hành khởi kiện Công ty Hưng Thịnh Long An và được thụ lý tại TAND tỉnh Long An. Ngoài ra, Tập Đoàn Hưng Thịnh còn gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra xử lý Công ty Hưng Thịnh Long An tránh việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các khách hàng và nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ: “Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác không chỉ là bất động sản cũng lấy tên “Hưng Thịnh”. Vì vậy, khách hàng và nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin chính xác để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, hiện tượng "nhái" thương hiệu đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ này không tự khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải “dựa hơi” những “ông lớn” trên thị trường để bán hàng.

Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản là đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài các cách tự bảo vệ mình như chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu một cách chuyên nghiệp; đầu tư vào hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh… thì các doanh nghiệp phải có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ.

Quế Sơn