Nhà kẻ truyền là lối xây dựng đặc trưng của người Việt cách đây vài trăm năm. Những ngôi nhà được coi là kẻ truyền đều có đặc điểm xây dựng là làm bằng gỗ, có mái ngói rêu phong, kết hợp với sân vườn để phơi rơm, phơi thóc.
Ngày nay, số lượng nhà kẻ truyền truyền thống không còn nhiều, thay vào đó là những ngôi nhà bê-tông kiên cố. Chính vì vậy, những ngôi nhà xây dựng theo lối kiến trúc sót lại thường có giá trị cao về mặt tinh thần.
Mới đây, ông Nguyễn Tiến, cháu đời thứ 6 của một vị quan Chánh án tỉnh Hải Hưng đang rao bán một căn nhà kẻ truyền 5 gian đã 200 tuổi. Dù chỉ bán khung nhà, nhưng gia chủ gây xôn xao khi chào bán với giá 2 tỷ đồng.
Theo ông Tiến, điều làm nên giá trị căn nhà là tuổi đời lâu năm, các cột chống ở 3 gian giữa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, các cột xà được làm từ gỗ dổi. Đặc biệt, hoa văn trên các cột gỗ được chạm trổ tinh tế.
Chủ nhân ngôi nhà không rõ phần ngói đã được thay mới lần nào trong suốt 200 năm hay chưa: “Tôi ở đây từ bé đến lớn thì phần ngói vẫn còn nguyên vẹn, tức là đã hơn 50 năm chưa thay ngói. Còn trước đó thay ngói hay chưa thì không rõ”, ông Tiến nói.
Điểm nhấn của căn nhà tập trung ở gian giữa với bức hoành phi được ghi bằng chữ Hán. Các cột xà được chạm khắc hoa văn tinh tế.
Một số họa tiết, hoa văn chữ Hán được điêu khắc trên các cột xà.
Hai gian bên cạnh có cột làm từ gỗ xoan. Tổng số cột lim trong nhà là 18. Trong đó, có 6 cột cái (cột chống) dài 3,6m, đường kính 21cm; 8 cột quân dài 2,95m, đường kính là 19cm. Cuối cùng là 4 cột hiên dài 2,2m, đường kính 14cm.
Ông Tiến cho biết, cách đây 2 năm đã có người hỏi mua căn nhà với giá 2 tỷ đồng nhưng ông không bán. Ông Tiến giải thích: “Lúc đó, chúng tôi muốn giữ ngôi nhà lại để thờ phụng tổ tiên cũng như để ở, nhưng bây giờ thì cả gia đình lại quyết định bán”.
Chính vì trước đó có người trả giá 2 tỷ đồng, nên gia đình ông Tiến mong muốn bán với mức giá đó: “Cách đây vài tuần có người hỏi mua với giá 1,6 tỷ đồng, nhưng tôi không bán vì không được giá”.
Theo ông Tiến, 2 tỷ đồng là giá bán khung nhà, bao gồm các cột gỗ, câu đối, hoành phi, tuy nhiên không bao gồm tiền bán đất. Tức là, khi có người quyết định mua ngôi nhà này sẽ phải gỡ hết khung gỗ để mang về.
Ông Tiến khẳng định ngôi nhà này gần như còn nguyên vẹn, chỉ thay thế cửa trước vì quá cũ: “Tôi chắc chắn đây là một trong những ngôi nhà cổ nhất Hưng Yên nguyên vẹn còn sót lại”, ông Tiến khẳng định.
Việt Vũ
Ảnh: Phạm Chiểu